25/09/2018
Mùa xuân 1941, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vượt biên giới Việt Trung về Pác Bó (Cao Bằng) lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ba năm sau, vào ngày 22-12-1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Người. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể tuyên bố thành lập đội với 34 chiến sĩ tiền thân của QĐND Việt Nam như niềm tin yêu của Bác “Việc quân sự thì giao cho chú Văn“, đó cũng chính là giây phút quyết định của một sự nghiệp làm tướng…
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam)
Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình, thân sinh là một nho sĩ nghèo yêu nước Võ Nguyên Thân, kiên trung, bất khuất bị giặc Pháp giết hại. Võ Nguyên Giáp thi đỗ học trường Quốc học Huế (1925), tham gia hoạt động cách mạng, được đọc sách báo bí mật: Người cùng khổ, Bản án chế độ thực dân Pháp, Chủ nghĩa Mác – Lê Nin bằng tiếng Pháp.. sau ông chuyển ra Hà Nội ông dạy trường Tư thục Thăng Long, 1930 bị Pháp bắt bỏ tù, ông từng tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng Đảng thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Tháng 4/1940 được đồng chí Hoàng Văn Thụ giới thiệu, Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đồng vượt biên giới sang Vân Nam tìm đường bắt liên lạc với Nguyễn Ái Quốc. Đầu tháng 6/1940, tại một con thuyền trong công viên Thuỷ Hồ (Côn Minh – Trung Quốc) được gặp nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Kể từ đó Võ Nguyên Giáp có vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự dìu dắt của Người.
Bốn năm sau, vào 13 giờ chiều 28-5-1948 tại Nà Lọm, xã Phú Đình, An toàn khu (ATK) ở Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ thụ phong chức Đại tướng đầu tiên của quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam. Trước đó, tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 19-1-1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã quyết định phong quân hàm cấp tướng, tá cho cán bộ quân đội. Ngày 20-1-1948 tại Phủ Chủ tịch – mái lán cọ đơn sơ ở Khuôn Tát (xã Phú Đình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo – chỉ huy quân đội, quân hàm Đại tướng: Võ Nguyên Giáp, quân hàm Trung tướng: Nguyễn Bình, quân hàm Thiếu tướng: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồ Chủ tịch và Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (từ trái sang) – Ảnh: tư liệu
Di tích lịch sử Đồi Pụ Đồn (Đồi Phong tướng) – nơi phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp ngày 28/5/194
Về lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến kể lại, ngày 23-5-1948 từ cơ quan Bộ Tài chính ở thôn Cả, xã….. (nay là Phú Thịnh), huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, đi họp Hội đồng Chính phủ. Ngày 25-5-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia họp đến 12 giờ đêm “bàn đến thủ tục làm lễ thụ phong chức Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Chương trình đơn giản nhưng long trọng”. Ngày 28-5-1948 cũng là ngày lịch sử, vì là ngày làm lễ thụ phong chức Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Đáng lẽ lễ cử hành sáng nhưng mưa to quá, suối đầy nước lội qua không được… Qua 12 giờ trưa, trời cũng bắt đầu tạnh mưa. Ăn xong, nghỉ một chốc đến 1 giờ chiều đi đến địa điểm làm lễ thụ phong.
Trong một căn nhà dựng bên suối lớn, dựa một bên núi, cây cối chen phủ kín, ở ngoài trông vào rất khó thấy mà máy bay cũng khó lòng sục sạo. Một phòng trưng bày đặc biệt. Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công“… trông đơn giản mà trang nghiêm.
Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng về thăm các di tích lịch sử gắn với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ở và làm việc tại ATK Định Hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, lên đứng 2 bên bàn thờ, toàn thể nhân viên Chính phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ (ông Cù Huy Cận – thư ký Hội đồng Chính phủ, Phan Mỹ – Chánh văn phòng Chính phủ)… Chủ tịch Hồ Chí Minh tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt… Một phút vô cùng cảm động, mọi người đều rớm nước mắt. Giây lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới cất được tiếng mà tuyên bố: Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều binh khiển sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho. Võ Nguyên Giáp nhận sắc lệnh. Cụ Trưởng ban Thường trực nhân danh Quốc hội tuyên bố mấy lời. Ông Phan Anh thay mặt Chính phủ nói mấy câu chúc mùng. Tạ Quang Bửu – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân danh bộ đội tỏ lời mừng của toàn thể bộ đội và nêu cao tinh thần phấn đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau cùng, Võ Nguyên Giáp đứng lên cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội và Chính phủ, tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước, Võ Nguyên Giáp lần lượt bắt tay tất cả mọi người. Rồi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố bế mạc cuộc lễ. Ai nấy ngồi chung quanh Bác Hồ và nghe Người nói sự xúc cảm của Người. Trước những ngày lễ có tính long trọng, Người không thể nào không nhớ đến các tiền liệt, các bạn đồng chí từ bao nhiêu năm chiến đấu cho đất nước, chịu bao nỗi gian lao khổ sở, kẻ hy sinh đầu này người hy sinh chỗ nọ, nhờ những sự hy sinh dũng cảm ấy nên mới có ngày nay. Đại tá Nguyễn Mạnh Đàn sinh năm 1927 quê ở xã Phú Thương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Cục phó Cục Phòng không lục quân, là Trung đội trưởng Trung đội bảo vệ Bác Hồ (1947 – 1950), trực tiếp bảo vệ buổi lễ phong hàm cấp Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa chúng tôi đi khảo sát địa điểm di tích. Cùng đi có các nhân chứng người địa phương, bà Ma Thị Tôm, 84 tuổi cùng chồng là Lương Đình Nam là “hàng xóm Bác Hồ” ở Tỉn Keo hồi 1948, 1949, 1953…, bà Nguyễn Thị Vân (tức bà òm), ông Tụng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Phú Đình (1952). Ông Đàn cho biết, nơi diễn ra lễ phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra tại trại nhi đồng Nà Lọm. Số là năm 1947 Bác Hồ nghe tin có một số trẻ em bị thất lạc gia đình trong chiến tranh chạy giặc trú tại nhà thờ chúa ở Phú Thọ, Bác cử đồng chí Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến, cùng một số anh em đi đón về. Bác cùng anh em dành thời gian nghỉ làm lán trại cho các em ở Nà Lọm, bên suối Khuôn Tát cạnh xóm đồng bào Tày, đóng góp tiền lương, dành lương thực nuôi các em ăn học do vợ đồng chí Vũ Kỳ đảm nhận (không xin tiền Chính phủ). Sau khi địch đánh lên Việt Bắc, sơ tán các em đi các cơ quan (một số ở làm việc tại nhà in Sự Thật ở Khuôn Nhà, Quy Kỳ, Định Hóa…). Nơi diễn ra buổi lễ phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp là lớp học 6 gian kiêm chỗ ở là ngôi nhà gianh. Phía sau cách độ 100m là quả đồi Trung đội bảo vệ Bác đặt trận địa bố trí 3-4 khẩu súng bảo vệ Phủ Chủ tịch ở đồi Tỉn Keo (cách trại nhi đồng Nà Lọm độ 300m ở chân đèo De). Hôm ấy Trung đội còn bố trí hai hàng tiêu binh, một hàng có bốn người, đứng đầu tiên tên là Hoạt người ở Sông Thao tỉnh Phú Thọ, tay áo phải còn có một miếng vá… Lời kể của ông Đàn cũng được đồng chí Tạ Quang Chiến, một trong tám người giúp việc được Bác Hồ đặt tên, xác nhận có 6 đồng chí bảo vệ giúp việc Bác tham gia phục vụ, còn hai người vắng mặt. Ông Chiến cho biết thêm, người chụp ảnh hôm đó là Vũ Năng An. Ông Vũ Kỳ, thư ký Bác Hồ, kể lại: “Bác Hồ đã chuyển đến ở làm việc tại trại thiếu nhi Nà Lọm từ ngày 1-5 đến 25-5-1948. Bác cùng nằm trên giát nứa nơi các em nằm, cũng làm việc trên sàn tre nơi các em học…”. Sáng sớm 25-5-1948 khi sương còn phủ trắng núi rừng, Bác và anh em dọn đến chỗ ở mới. Đó là chiếc nhà sàn đơn sơ trên ngọn đồi con “Tỉn Keo” ở xóm Nà Lọm gần chân đèo De thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Bác từ đồi Tỉn Keo vượt suối Nà Lọm sang chủ trì lễ thụ phong chức Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ghi dấu sự kiện này “Cảnh vệ Công an nhân dân Việt Nam, lịch sử biên niên 1941 – 1954” khắc ghi. “Từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 5 /1948 bảo vệ Bác trở lại Nà Lọm, xã Phú Đình, ở ngay trại thiếu nhi Bác Hồ bên suối Nà Lọm, cách đồi cũ chừng 200m. Tại đây Bác Hồ cùng Chính phủ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp”.