09/04/2018
Di tích nơi thành lập Ủy ban kiểm tra Trung ương thuộc xóm Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 16/10/1948, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương do Tổng bí thư Trường Chinh ký (tên Thận).
Ông Nguyễn Thanh Bình nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kể lại: Ban Kiểm tra T.Ư (KTTƯ) thành lập lúc đầu gồm 3 đồng chí :
– Đồng chí Trần Đăng Ninh: Ủy viên Trung ương Đảng.
– Đồng chí Nguyễn Thanh Bình: Ủy viên thường vụ khu ủy.
– Đồng chí Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc): Ủy viên thường vụ tỉnh ủy.
Đồng chí Trần Đăng Ninh được cử làm Chủ nhiệm Kiểm tra T.Ư chuyên trách đầu tiên của Đảng. Các phái viên kiểm tra được bổ sung dần, lúc đông nhất có 23 đồng chí được Trung ương điều động từ các Ban thường vụ tỉnh ủy từ liên khu V trở ra như các đồng chí : Lê Thanh, Đặng Nhật Lam, Hoàng Phú, Mai Công Thiệp, Trần Tấn, Trần Linh, Nguyễn Thành Tân, Nguyễn Danh Phan, Trần Thọ, Lê Quang Hợp, Hà Văn Tuyên, Hoàng Điền, Bùi Khiết, Tạ Quang, Lê Công Hoạch, Vũ Minh, Quang Sơn, Kỳ Nam, Nguyễn Hữu Lê, Thuần, Nhiên…
Trưởng ban và cán bộ lúc đó ở làm việc tại một nhà dài trên 20m cùng Văn thư, Hành chính, Hậu cần, thực hiện theo phương thức phái viên là chính. Đó là những vụ việc có quan hệ đến các chính sách như các chính sách đối với các tôn giáo, dân tộc, trí thức, chính sách mặt trận, chính sách cán bộ, chính sách đối với quân đội, có những vụ việc quan trọng được Bác Hồ giao. Từ trụ sở đầu tiên của Ban kiểm tra T.Ư đặt tại đồi Pụ Miếu, xóm Phụng Hiển đồng chí Trần Đăng Ninh cùng cán bộ, Phái viên Ban Kiểm tra T.Ư ở và làm việc 1948- 1950 khi được T.Ư Đảng cử sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, đồng chí mới rời khỏi Ban Kiểm tra T.Ư ở đồi Pụ Miếu sang Thanh Định (ATK Định Hóa ) nhận nhiệm vụ mới. Tại đây đã tổ chức thực hiện công tác Kiểm tra đảng và cả nhiệm vụ của thanh tra nhà nước và của cả quân đội. Nghĩa là nhưng nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành Kiểm tra Đảng và công tác thanh tra T.Ư Đảng, Chính Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó như: vụ án gián điệp H122 ở quân khu Việt Bắc; vụ “hóa chất miền Nam” ở Liên khu V; việc thuyết phục giám mục Lễ Hữu Từ ở Phát Diệm và “ Vua Mèo” Vương Chí Sình ở Đồng Văn (Hà Giang ) ủng hộ chính phủ kháng chiến…
Nhiều việc khác đồng chí Trưởng ban chỉ đạo cán bộ thực hiện như: Kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về chỉ đạo chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến, chống lãng phí tham ô của các tỉnh ủy thuộc các liên khu Việt Bắc; Kiểm tra việc thực hiện chiến tranh nhân dân ở Bắc Giang, Bắc Ninh để chuẩn bị bàn về chiến tranh nhân dân vùng trung du; Kiểm tra nội bộ cơ quan ”Hoa kiều vụ” ; cùng Ban bảo vệ của quân đội giải quyết vụ án Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục Quân nhu, Bộ quốc phòng …
Hồi đó các khu, tỉnh chưa có ban kiểm tra nhưng đã có cấp ủy viên phụ trách kiểm tra như Liên khu Việt Bắc có đồng chí Phan Lang, Khu uỷ viên, ở Liên khu III có đồng chí Vũ Oanh, Khu ủy viên. Từ Ban Kiểm tra T.Ư ở Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, đã phát đi nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, về xây dựng hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng ở các Liên khu, các tỉnh; là cơ quan tham mưu và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kiểm tra mà T.Ư Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo góp phần kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi…
Đoàn công tác Ủy ban Kiểm tra Trung ương chụp ảnh lưu niệm tại nơi ghi dấu địa điểm thànhlập Ban Kiểm tra Trung ương đảng năm 2016