03/04/2018
Vào một chiều đông giá, gió mùa Đông Bắc hun hút ngược dãy núi Hồng – bức tường thành của rừng đại ngàn chở che chiến khu Việt Bắc năm xưa, chúng tôi tìm đến Tỉn Keo – một quả đồi xanh ngợp tre, vầu, cọ dưới chân Đèo De, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trong một lán cọ đơn sơ tại nơi đây, 50 năm trước, vào ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
* Tỉn Keo – Phủ Chủ tịch trong lòng dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ
Tỉn Keo nằm ở trung tâm an toàn khu (ATK) Định Hóa. Trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Bác Hồ dặn anh em ở lại xây dựng ATK: “Biết đâu chúng ta còn quay lại nhờ cậy đồng bào lần nữa”… Sau Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, trước dã tâm của thực dân Pháp quay lại cướp nước ta lần nữa, Người cử các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh trở lại Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, huyện Định Hóa với địa thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” và Đại Từ (Thái Nguyên) cùng với huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn) đã trở thành ATK của Trung ương, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954).
Đồi Tỉn Keo đáp ứng tiêu chí của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho các đồng chí giúp việc tìm địa điểm đặt cơ quan: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta vui/ Tiện đường sang Bộ Tổng, thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng ráo kín mái, gần dân không gần đường”.
Xóm Nà Lọm của đồng bào Tày cách nơi Bác ở non 1 cây số. Nơi ở và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh ở Nà Mòn, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Thẩm Khen (đều thuộc xã Lục Giã – nay là Phú Đình)… Từ Tỉn Keo ngược lên 1,2 km đến thác 7 tầng Khuôn Tát, leo lên chừng 3 km nữa đến đồi Nà Đình, nơi Bác ở 3 lần những năm 1947, 1948 và 1954. Vượt Đèo De sang Tân Trào chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Nơi Bác ở chỉ có lác đác 5-7 nóc nhà nhỏ ẩn hiện. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Địch cũng không ngờ ở chỗ (giáp ranh) bản làng nghèo nàn, vắng vẻ lại là nơi “Chùa rách, bụt vàng”.
Dưới chỗ Bác ở là nhà sàn lợp cọ của gia đình bà Ma Thị Tôm – bà đi họp chi bộ, chúng tôi nhờ anh Hào con trai bà đi đón. Ở độ tuổi 76, người đảng viên, cán bộ phụ nữ xã có nụ cười hiền dịu, giọng nói chân chất của người Tày, nhỏ nhẹ từ tốn như gió thoảng rừng chiều. Khi mới 18 tuổi, sơn nữ Ma Thị Tôm (con ông Ma Tiến Đàm, Chủ tịch xã Lục Giã) cùng chồng là Lương Đình Nam đã ở chân đồi Tỉn Keo (1945). Bà nói: Đây là nơi sơ tán nhà nhỏ thôi… Hồi tháng 4-1948 Bác đến ở còn heo hút lắm. Hổ đã bắt mất con “tu ma mẹ” (con chó) do anh em bảo vệ nuôi, còn hai con, bà Tôm nuôi cho một con. Để giữ bí mật nơi ở của Bác và các cơ quan Trung ương, dân Lục Giã đều thực hiện ba không “không nghe, không biết, không thấy”.
Ngoài lán ở của Bác và anh em giúp việc có lán họp, có chòi gác và đường hầm hào thoát xuống chân đồi. Bếp ăn đào xuống đất nấu không khói. Các buổi sáng Bác thường ra khoảnh đất nhỏ dưới chân đồi tập thể dục. Rau bí xanh mướt đồi Tỉn Keo. Bác còn trồng rau cải xoong ở ven suối Khuôn Tát. Còn nương ngô ở tận chân núi Hồng có tên là Pụ Tung. Đi làm nương với Bác có 3 người Dao: anh Đức, anh Hồng Thắng, anh Nhất. Dụng cụ làm nương là con dao “quắm phẻn rời”. Tại trước lán của Bác trên đồi Tỉn Keo còn bụi cây bông bụt do Bác mang từ Khau Tý về sau được bà con lấy giống trồng ra khắp nơi. Trên đường đi công tác, Bác còn lấy giống bưởi Đoan Hùng. Bà Tôm chỉ cho chúng tôi ngắm cây bưởi sai trĩu quả cao chừng 20m rất cổ thụ trong phần đất nhà ông Ma Viết Mơ mà lòng xốn xang. Bà con Tỉn Keo thực hiện ba không rất nghiêm, nên thằng địch có mắt như mù. Hồi Thu Đông 1947, bọn địch đã đánh vào cánh đồng Cảm Tra bị bộ đội du kích diệt trên trăm tên phải rút chạy. Sau này giặc Pháp ném bom Thanh Định, Bình Yên vẫn không phát hiện ra cơ quan Bác… Người dân Tỉn Keo chẳng đã là những chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ đó sao?
Trong thư đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ nhắc chúng tôi – Nói tới Phủ Chủ tịch dưới chân Đèo De không thể không nhắc đến tấm lòng của Bác với các cháu nhỏ. Vào tháng 7-1947, do cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Pháp mở rộng, có nhiều trẻ em bị thất lạc, gia đình bị tan nát đã chạy vào lánh nạn ở các nhà thờ Chúa ở Phú Thọ. Bác đọc báo biết liền cử anh em tìm về được 35 cháu. Bác cùng anh em dựng lán trại, trích khẩu phần (không xin tiền Chính phủ), tăng gia, sản xuất, cử ba người nuôi dạy các em học. Đó là trại thiếu nhi tại xóm Nà Lọm chỉ cách nơi Bác ở chừng cây số.
* Bác Hồ với nắm đấm… xòe ra
Sáng 29-11-2003, tại số nhà 30 Hoàng Diệu gần ngay đài liệt sĩ Bắc Sơn, trông ra Lăng Bác, chúng tôi hân hạnh được tiếp kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù đã nhiều lần được phỏng vấn, tháp tùng Đại tướng lên Thái Nguyên, tôi không khỏi xúc động ngắm ông như một huyền thoại. Anh Nguyễn Huyên, người bí thư tận tụy của Đại tướng nhắc lại chuyến “anh Văn về lại chiến khu xưa” cách đây 5 năm (12-8-1998) khiến tôi chợt nhớ cuộc gặp các phóng viên, các cán bộ của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng tỉnh do đồng chí Nguyễn Ngô Hai, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Đại tướng nhớ lại: Tại Định Hóa, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định nhiều chủ trương chiến dịch lớn. Đặc biệt tại Tỉn Keo, Bộ Chính trị và Hồ Chủ tịch đã phê duyệt kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ… Cũng tại Tỉn Keo ngày 28-5-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho ông và Trung tướng Nguyễn Bình, các Thiếu tướng Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Trần Đại Nghĩa, Lê Hiến Mai, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn…
Đại tướng kể lại “Cuộc họp ở Tỉn Keo” do Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị. Dự họp có các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng (các anh Nguyễn Chí Thanh và Trần Đăng Ninh không đến được vì đang bị mệt). Ngoài ra còn có Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Vào hạ tuần tháng 9-1953, ta có được bản kế hoạch Navarre… Tướng bốn sao Navarre được bổ nhiệm làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương từ 8-5-1953. Navarre chủ trương phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tập trung bình định ở miền Nam. Mùa thu 1954 sẽ tập trung quân ra Bắc tiêu diệt chủ lực của ta. Hoàn thành thôn tính nước ta trong 18 tháng vào khoảng giữa năm 1955. Tướng Navarre đã tập trung ở đồng bằng một lực lượng cơ động mạnh chưa từng có sẵn sàng chờ đón cuộc tấn công của ta. Nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, đôi mắt Bác rất chăm chú, bàn tay Bác trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”, bàn tay Bác mở ra mỗi ngón tay trỏ về một hướng. Đó chẳng đã là chỉ đạo mang tính chiến lược tạo thế làm bật ra một Điện Biên Phủ đó sao? Sau khi luận bàn, Bộ Chính trị đã xác định phương châm tác chiến của ta là tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Hướng chính của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 là Tây Bắc…
* Trung tâm “Thủ đô gió ngàn” hôm nay
Anh Lường Văn Lợi, Chủ tịch xã Phú Đình, cho biết: Được sự quan tâm của Nhà nước qua dự án: Bảo vệ tôn tạo di tích lịch sử cách mạng vùng ATK Định Hóa (1995-2000), đường ôtô từ cây số 31 (Quốc lộ 3) đến Đèo De đã trải nhựa. Điện lưới đã tỏa sáng khắp bản Dao Khuôn Tát, cây đa ghi dấu nơi Bác cùng anh em tập võ, chơi bóng chuyền đã trở thành sân bóng đá. Trường phổ thông cơ sở Phú Đình, trạm xá xã ngói đỏ tươi. Trong 1.124 hộ người Tày, Nùng, Dao, Kinh, Sán Chí ở Phú Đình không còn người đói, tuy hộ nghèo còn 25%. Dân trong xã có 30 máy điện thoại, 500 xe máy, 100% có vô tuyến điện hoặc radio cassette, đã trồng bảo vệ 1.265,5 ha rừng. Huyện Định Hóa, xã Phú Đình được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chống Pháp. Tổng cục Du lịch vừa về khu Nà Lọm, Tỉn Keo lập dự án khai thác du lịch với phát huy di tích ATK. Bà con rất phấn khởi.
Lý Thị Chiên, thiếu nữ Tày Định Hóa, tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, hướng dẫn chúng tôi tham quan khu di tích và Nhà trưng bày ATK tại Tỉn Keo. Từ ngày 17-5-1997, khi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên cắt băng khai trương đến nay, đã đón trên 1 triệu lượt khách, đã nâng cấp trưng bày 400m2 diện tích với trên 368 hiện vật tại Nhà trưng bày ATK. Tre, vầu, cọ trên đồi Tỉn Keo vẫn lên xanh. Cây bông bụt Bác trồng hoa lá sum suê, 2 lán cọ cùng hệ thống hầm hào được tôn tạo. Ngôi nhà sàn bà Ma Thị Tôm hiện nay được làm lại to hơn hồi Bác ở là một phần của quần thể di tích ATK.