12/11/2024
Cụm di tích lịch sử Khuôn Tát nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1947 - 1954) gồm:
- Cây đa Khuôn Tát;
- Đoạn suối Khuôn Tát nơi Bác Hồ và anh em bảo vệ, giúp việc tắm giặt, câu cá;
- Đồi Nà Đình nơi có lán Bác Hồ ở và làm việc;
- Bia tưởng niệm liệt sĩ Phạm Văn Lộc người được Bác Hồ đặt tên là Đồng.
Khuôn Tát có nghĩa là thung lũng có thác nước chảy, bắt nguồn từ dãy núi Hồng, chảy qua bản Dao Khuôn Tát, xuôi xuống cách đồng Nà Lọm, Tỉn Keo. Bản Dao Khuôn Tát là địa điểm xa xôi nhất của xã Phú Đình, giáp với Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) bởi dãy núi Hồng hùng vĩ. Vinh dự là nơi che chở, đùm bọc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Xưa kia bản Dao Khuôn Tát chỉ có vài ba gia đình người Dao sinh sống, đường vào đến bản rất nhỏ chỉ bằng hai lòng bàn tay, rừng núi rậm rạp, thậm chí có cả thú dữ. Khuôn Tát đã thực sự đáp ứng được tiêu chí khi chọn nơi ở, làm việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái.
Dưới gốc đa Khuôn Tát, xưa kia có một bãi đất khá bằng phẳng do Bác và anh em bảo vệ, giúp việc san lấp, ngụy trang làm sân bóng chuyền, quanh sân chỗ giáp khe suối được rào hàng rào nứa, cao độ 1,5m đan mắt cáo ngăn không cho bóng lăn xuống khe suối, lưới đánh bóng được làm bằng những sợi dây rừng, khá đẹp lại bền bỉ, nhưng chỉ thiếu quả bóng là khó kiếm, đồng chí Phan Mỹ phụ trách Văn phòng Chính phủ đi công tác ở thị xã Vĩnh Yên tìm mua cho Bác một quả bóng chuyền, nhưng thị xã Vĩnh Yên đã tiêu thổ kháng chiến, các cửa hàng đều tản cư đi chỗ khác, tình cờ đồng chí Phan Mỹ gặp bác sĩ Đỗ Xuân Hợp, biết chuyện bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã lấy quả bóng chuyền còn mới nguyên mà bệnh viện mới được thưởng sau trận đấu giao hữu với đơn vị bạn gửi Phan Mỹ mang về biếu Bác. Ba ngày sau, bác sỹ Hợp nhận được thư của Bác “Cảm ơn chú đã biếu tôi quả bóng, độ này tôi khỏe hơn lúc ở Thủ đô, tôi sẽ tập bóng cho khỏe hơn nữa, các chú thi đua ái quốc kết quả thế nào? Gửi lời hỏi thăm thím và hôn các cháu…” Bác sỹ Hợp rất cảm động vì quà biếu Bác có gì đâu mà từ chiến khu Việt Bắc xa xôi Bác bận trăm công, ngàn việc Bác cũng viết thư thăm hỏi.
Vào giờ nghỉ buổi chiều Bác cùng anh em bảo vệ, giúp việc chơi bóng chuyền hoặc tập võ (môn Thái cực quyền) để rèn luyện sức khỏe vì bác thường căn dặn mọi người rằng: “Mỗi cá nhân khỏe là một tập thể khỏe, mỗi tập thể khỏe là một đất nước khỏe tự tôi ngày nào cũng tập”.
Một yếu tố không thể thiếu được khi chọn nơi ở cho Bác là phải gần suối, suối là nơi để Bác tắm giặt đảm bảo vệ sinh, câu cá cải thiện đời sống hàng ngày, suối còn là nơi an toàn bí mật. Trên đường sang lán ở của Bác, chúng ta sẽ đi qua đoạn suối Khuôn Tát gợi lại cho chúng ta hình ảnh Bác cởi trần đi bên bờ suối trên vai vác cành cây phơi chiếc áo chưa khô, hình ảnh đó đã làm rung động biết bao trái tim.
Vượt qua đoạn suối trước mắt đoàn chúng ta là đồi Nà Đình, nơi có lán Bác ở, làm việc giai đoạn (1947 - 1954). Nơi đây còn giữ lại được nhiều nét hoang sơ, rừng phách cổ thụ giữa bạt ngàn tre, nứa gợi cho nhà thơ Tố Hữu viết:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Bác ở, làm việc nhiều lần: Lần 1: 20/11 – 28/11/1947; lần 2: 01/01 – 7/3/1948; lần 3: 05/4 – 25/5/1948 và đầu tháng 1/1954
Lán của Bác được làm theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại ATK. Bác giao hẹn: chiều rộng chỉ chải vừa hai chiếc chiếu, chiều cao có thể giơ tay với được; chia làm hai gian, gian ngoài là nơi Người làm việc và tiếp khách, gian trong là nơi Bác nghỉ. Bác nói rằng, làm lán nhỏ như vậy vừa dễ dựng, lại dễ phá cần tránh chỗ này đi chỗ khác; đồ dùng lặt vặt và mấy bộ quần áo cho vài túi cói, bị lưới rất đơn giản và dễ dàng; tài liệu cho vào ống tre thấy địch từ xa thì quẳng vào bụi rậm, địch sẽ không phát hiện ra. Trên vách, Bác thường treo bộ quần áo chàm, một chiếc nón người Tày có quai rộng để khi Bác đi công tác, Bác cải trang thành người bản xứ rất an toàn. Sau căn lán là căn hầm có hai cửa thông ra hai khe suối đảm bảo đi không dấu.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi vào một lần đến thăm Bác đã rất xúc động khi thấy nơi ở của Người (trích trong bày thơ Quê hương Việt Bắc)
“Một nhà sàn đơn sơ vách nứa…
Cả đời Người là của nước non”…
Năm 1950, tại Khuôn Tát, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cố vấn an ninh Trung Quốc. Đồng chí cố vấn tỏ ra lo lắng về công tác bảo mật cho Bác liệu có sơ sài quá không? Bác đã vui vẻ trả lời đồng chí cố vấn “Đồng bào Việt Nam chúng tôi rất thương yêu nhau, đồng bào một lòng đoàn kết kháng chiến. Vì vậy chúng tôi cũng tin rằng đồng bào một lòng sắt son theo Đảng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, đồng chí đi từ Nha Công an Trung ương tới đây không gặp một trạm xét hỏi nào vì đồng chí đi cùng đồng chí Lê Giản, nếu như đồng chí đi một mình thì chắc chắn đồng chí không thoát khỏi tay quần chúng giam giữ”. Qua cuộc đối thoại của Bác với đồng chí cố vấn đã thể hiện được niềm tin của Bác với đồng bào ATK nói chung và đồng bào ATK Định Hóa nói riêng.
Thời kỳ Bác ở Khuôn Tát, Người đã ký rất nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, sắc lệnh SL/110, ngày 20/01/1948.
Đầu tháng 01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận Điện Biên Phủ đã lên Khuôn Tát để chào Bác và xin ý kiến chỉ đạo. Bác hỏi Đại tướng “Chú đi xa như vậy có gì trở ngại không?”, Đại tướng thưa với Bác “Thưa Bác, cháu đi xa không có gì trở ngại, chỉ trở ngại một việc là không thường xuyên xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị được”, Bác giao nhiệm vụ cho Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định, có vấn đề gì khó khắn cứ bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Trước khi chia tay Bác còn nhắc “trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng kiên quyết không đánh”. Để thực hiện tư tưởng đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định thay đổi phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc” đây là quyết định khó khăn nhất của cuộc đời cầm quân của Đại tướng góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đến thăm Khuôn Tát, khách tham quan có thể dành thêm chút thời gian đến thắp hương tại bia tưởng niệm liệt sĩ Phạm Văn Lộc hy sinh tại Khuôn Tát. Đồng chí Phạm Văn Lộc là một Việt Kiều ở Thái Lan gặp Bác bên đó đã theo Bác, Bác sang Trung Quốc đồng chí cũng theo sang rồi cùng về nước hoạt động cách mạng, đồng chí làm nhiệm vụ là nấu cơm cho Bác, vinh dự được Bác đặt tên là Đồng. Cách mạng thành công, đồng chí Lộc vẫn an tâm vui vẻ làm một việc bình thường là nấu cơm cho Bác. Tháng 5/1948 đồng chí Lộc bị sốt rét ác tính mất tại Khuôn Tát, Bác khóc thương như mất đi một người ruột thịt. Vào sinh nhật Bác 19/5/1948, anh em tìm bó hoa rừng chúc mừng, Bác rất xúc động, rơm rớm nước mắt: “Cảm ơn các chú, nhưng bó hoa này ta đem ra mộ đồng chí Lộc”. Bà con cùng Bác và anh em chôn cất đồng chí ở Khuôn Tát sau đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Định Hóa.
Khuôn Tát là địa điểm Bác ở, làm việc lâu nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây đã chứng kiến những ngày tháng gian nan vất vả và nghị lực phi thường của Bác, làm việc không kể ngày đêm. Từ đây mọi mệnh lệnh, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch tác chiến đã được phát đi trong cả nước, đưa vị thế cách mạng Việt Nam lên tầm cao mới, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Sau khi thăm di tích Khuôn Tát đoàn chúng ta xuôi theo dòng suối Khuôn Tát khoảng 500m quý khách được hòa mình vào Thác 7 tầng Khuôn Tát, một thắng cảnh đẹp nổi tiếng của chiến khu Việt Bắc và ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ. Sau đó đoàn chúng ta thăm di tích lịch sử Tỉn Keo, nơi Bác Hồ chủ trì cuộc họp Hội nghị Bộ Chính trị, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, chấm dứt chiến tranh hòa bình lập lại ở Đông Dương.