Địa điểm thành lập Ủy Ban Hòa Bình Việt Nam(19/11/1950)

05/09/2024

Địa điểm thành lập Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, (nay là Uỷ ban Hoà bình Việt Nam) ngày 19/11/1950 là xóm Roòng Khoa, xã Thanh Định (nay là xã Điền Mặc), huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.

Với tầm nhìn chiến lược lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Nguyên được coi là vị trí chiến lược trong căn cứ địa Việt Bắc, là ‘Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp” như Người đã nhận định “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”

Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, huyện Định Hóa cùng các huyện Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên; Chợ Đồn, Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn; Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa của tỉnh Tuyên Quang đã lần lượt trở thành An Toàn Khu trong căn cứ địa Việt Bắc. Trong đó, huyện Định Hóa được chọn là nơi đặt bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bởi nơi đây hội đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa, với địa thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” tức “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Trong đó xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) tập trung nhiều cơ quan Trung ương: Tổng Bí thư Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương Đảng ở Phụng Hiển, quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng ở xóm Đồng Mụa, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng cùng đồng chí Xuân Thuỷ, Thường trực Tổng Bộ Việt Minh, Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc đều ở xóm Roòng Khoa…Tổng Bộ Việt Minh, Tiểu ban Nông vận và Hội Nông dân Việt Nam, Hội phụ nữ cứu quốc…

      Trong Đại hội thành lập Hội đồng Hoà bình thế giới (tháng 4/1949) tại Pari và Praha (Tiệp Khắc) đòi giải trừ quân bị, ngăn chặn các cuộc chiến tranh mới, với sự tham gia của nhiều chiến sĩ hoà bình nổi tiếng: Giô li ô Quy ri, Béc tơ rau rút xen, Anh xtanh, Pi cát xô dự đại hội, có 11 đại biểu Việt Nam từ ATK Định Hoá đến tham dự và Việt Nam là một trong những lớp tham gia sáng lập Hội đồng Hoà bình thế giới.

      Sau chiến tranh thế giới thứ 2, các thế lực đế quốc phát động chạy đua vũ trang tiến hành chiến tranh lạnh, chế tạo vũ khí hạt nhân, tranh giành lại thuộc địa và bán đảo Đông Dương giàu tài nguyên bị các đế quốc tranh cướp. Nhân dân yêu chuộng hoà bình toàn thế giới thấy rằng: “chỉ có đoàn kết chặt chẽ của các lực lượng hoà bình trên toàn thế giới với những hành động cương quyết đòi giải trừ quân bị và bảo vệ hoà bình mới có thể đập tan âm mưu thâm độc và đầy tội ác của những kể gây chiến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư các bạn Pháp đấu tranh cho hoà bình (15/11/1950), Người khẳng định: “Cuộc chiến tranh trên nước chúng tôi là để sửa soạn cho một cuộc chiến tranh đế quốc khác. Vì vậy, trong khi chiến đấu để bảo vệ hoà bình thế giới, các bạn đồng thời làm việc rất đúng là mở một chiến dịch mạnh mẽ đòi hỏi chỉ ngay tức khắc cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chúng tôi kính phục và theo dõi cuộc chiến tranh của các bạn”.

        Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát động phong trào bảo vệ hoà bình thế giới, tiến tới thành lập một tổ chức hoà bình ở Việt Nam để mở ra con đường ngoại giao nhân dân. Quyền trưởng ban thường trực Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban vận động cùng 25 thành viên họp ngày 25/6/1950, ra nghị quyết xúc tiến thành lập Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam.

      Vào ngày 19/11/1950, tại hội trường tám mái vầu cọ đơn sơ của Tổng Bộ Việt Minh ở xóm Roòng Khoa thuộc ATK Định Hoá, Thái Nguyên đã diễn ra thành lập Uỷ ban Bảo vệ hoà bình (BVHB) thế giới của Việt Nam.

       Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Xuân Thuỷ (Thường trực Tổng Bộ Việt Minh, Tổng biên tập Báo Cứu quốc…) chủ trì hội nghị thành lập, đến dự có Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Lê Đình Thám, Dương Bạch Mai, linh mục Phạm Bá Trực và 54 đại biểu đại diện cho đoàn thể, tầng lớp nhân dân; tham dự còn có đại biểu của phong trào kháng chiến Lào do hoàng thân Xuphanuvông dẫn đầu và đại diện của Campuchia.

         Hồ Chủ tịch viết thư gửi tới hội nghị, trong thư Người nêu rõ:

  “Nhân dân Việt Nam ta cũng như nhân dân các nước trên thế giới đều yêu chuộng hoà bình, để xây dựng một xã hội dân chủ tốt đẹp.

    Nhưng đế quốc chủ nghĩa là nguồn gốc chiến tranh. Đế quốc chủ nghĩa do Mỹ, Pháp, Anh cầm đầu một mặt thì đang thực hành xâm lược Đông Nam Á châu, một mặt đang chuẩn bị chiến tranh thế giới.

     Vậy, muốn giữ gìn hoà bình một cách thiết thực thì phải ra sức chống đế quốc chủ nghĩa”, và: “…nhiệm vụ của chúng ta là đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ toàn dân Việt Nam, để kháng chiến lâu dài, để đánh tan bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ”.

         Hội nghị đã bầu Chủ tịch Hồ chí Minh - Người sáng lập, là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Ủy ban BVHB thế giới của Việt Nam, bác sỹ Lê Đình Thám được bầu là Chủ tịch Ủy ban, ông Dương Bạch Mai làm Tổng Thư ký… Hội nghị nhận được điện chúc mừng của Hội đồng Hoà bình thế giới và nhiều tổ chức hoà bình các quốc gia khác.

         Ngày 19/11/1950 đã trở thành ngày truyền thống của Ủy ban Hoà bình Việt Nam. Hội nghị thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam được xác định là Đại hội lần thứ nhất và lấy đó làm mốc để tổ chức các kỳ đại hội tiếp theo.

         Địa điểm di tích nơi thành lập Uỷ ban Hoà bình Việt Nam (Uỷ ban BVHB thế giới của Việt Nam) được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia (tháng 11/2006), tại nơi đây đã xây dựng bia di tích ghi dấu của một thời hào hùng chiến khu Việt Bắc năm xưa, phù điêu nghệ thuật bằng đá khối và bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội Thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (1950).

Đến với Roòng Khoa hôm nay, du khách thăm các địa điểm di tích lịch sử, thăm Nhà trưng bày nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (1950), Nhà sàn nơi làm việc của Ban Nông vận Trung ương và Hội Nông dân Việt Nam, Đồi Khau Goại, nơi đồng chí Hoàng Quốc Việt Bí thư Tổng Bộ Việt Minh ở làm việc từ (1947-1954), ngoài ra đoàn chúng ta còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc với rừng cọ, đồi chè, hòa mình vào không gian thơ mộng của đồi Khau Tý để cùng trải nghiệm với người dân nơi đây đi hái măng, nghe hát Then đàn tính, giao lưu ẩm thực, nghỉ ngơi tại Làng văn hóa du lịch Bản Quyên.

         Với những giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử trên di tích được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Quốc gia tại Quyết định số 91/2006/QĐ-BVHTT ngày 15/11/2006, hiện

nay do Ban quản lý khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa Thái Nguyên quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị.

Tin liên quan