Di tích Tổng Bí thư Trường Chinh ở Phụng Hiển

13/09/2024

Địa điểm di tích Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc (1947-1949) tại Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh chống thực dân Pháp xâm lược, Tổng Bí thư Trường Chinh, Văn phòng Trung ương Đảng rời thủ đô Hà Nội lên An Toàn Khu (ATK) Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc.

         Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng Bí thư Trường Chinh, Trưởng ban Đảng vụ Lê Đức Thọ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Văn Lương… tại ATK Định Hóa là ở nhà sàn của người dân tộc Tày Quảng Nạp (nay thuộc xã Bình Thành); nơi giáp ranh với xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, cửa ngõ vào ATK có chợ kháng chiến, nơi tập trung dân cư đông đúc đầu năm 1947 của Căn cứ địa Việt Bắc. Cùng di chuyển còn có bộ phận biên tập, phóng viên Báo Sự Thật của Đảng, Ban Đảng Vụ (Ban Tổ chức Trung ương) chủ yếu di chuyển quanh dãy núi Hồng, từ xã Điềm Mặc lên xã Phú Đình.

         Theo lời kể của ông Lường Văn Lược, dân tộc Tày nhân chứng tại xóm Phủng Hiển: dừng chân ở Quảng Nạp một thời gian, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương Đảng chuyển lên đồi Khuổi Khê, bản Phủng Hiển (xã Điềm Mặc) khi đó chỉ có 6-7 nóc nhà. Vào một ngày đầu năm ngày mùng 3 Tết âm lịch năm 1947, có hai đồng chí tên Thân và Thiện được cử đến khảo sát khu xóm Phủng Hiển và gặp ông Lược, hai anh hỏi và nhờ ông tìm giúp một địa điểm an toàn, thuận lợi để dựng nhà lán cho cơ quan Trung ương về làm việc. Sau bữa cơm trưa, ông Lược đưa hai anh đi vào khu đồi Khuổi Khê nơi đây là vùng rừng núi rậm rạp, nhưng có địa thế cao ráo có con suối chảy quanh. Anh thiết nhận xét “nơi này được đấy”, hai anh cảm ơn và về báo cáo cấp trên. Một vài ngày sau đó hai anh trở lại cùng một toán thợ khá đông lên dựng nhà lán, lựa chọn một số người trong xóm có tay nghề để cùng tham gia, trong xóm chọn được ba người: ông Lược, ông Ma Đình Lan, ông Ma Duy Tuyết. Công việc dựng lán được tiến hành khẩn trương và hết sức bí mật, vật liệu đơn giản lấy từ nguồn tại chỗ: Gỗ, tre, nứa, do ở đây ít lá cọ nên phải sang tận Phú Đình mua và dùng trâu kéo về. Trong một thời gian ngắn đã làm xong 5-6 nhà lán bằng vách nứa trát đất, mái lợp lá cọ, xung quanh đào hào cùng mấy căn hầm trú ẩn để phòng tránh máy bay và để họp (có hầm lớn chứa đến 20 người).

         Ban đầu khi mới đến gia đình anh Thận (đồng chí Trường Chinh) ở nhờ nhà bà Phùng Thị Vân (chị dâu ông Lường Văn Lược), nhà ở chân đồi, sau khi nhà lán hoàn thành gia đình anh Thận chuyển ra nhà lán mới ở sát chân đồi (Vợ anh thận là chị Nguyễn Thị Minh cùng con gái là Nga và hai con trai tên là Bắc và Bích). Cạnh đó còn các các nhà lán: nhà tiếp khách, nơi ở của đồng chí thư ký, anh em tòa soạn báo Sự Thật, Hội trường phục vụ hội họp, diễn văn nghệ, nhà của các anh em bảo vệ, giúp việc, sân thể thao, nhà bếp và chuồng ngựa ở gần bờ suối. Một thời gian sau có rất đông người của cơ quan đến ở, có bộ đội đến ở cùng nhà dân. Khu vực Phủng Hiển là vùng rừng rậm an toàn, không có đường lớn, chỉ có đường mòn nhỏ, từ khi các cơ quan chuyển đến lập nhiều trạm gác, mỗi trạm có một đội bảo vệ được trang bị súng, còi báo động và sổ đăng ký làm việc…

         Thời gian cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại đây, Bác Hồ cũng tới đây làm việc, lúc đi ngựa, lúc thì đi bộ chống gậy cùng hai, ba đồng chí. Ngoài ra còn có các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, Trần Đăng Ninh, Võ Nguyên Giáp cũng thường qua lại làm việc với đồng chí Tổng Bí thư và Văn phòng Trung ương Đảng….

         Thời kỳ từ năm 1947-1949, xóm Phụng Hiển được chia làm 3 khu với tên gọi bí mật: Phòng A, Phòng B, Phòng C. Phòng A nằm ở chân đồi Khuổi Khê là nơi Tổng Bí thư Trường Chinh ở, làm việc. Phòng B nơi đặt Văn phòng Trung ương Đảng, đón tiếp các chuyên gia nước ngoài và là nơi ở, làm việc của đồng chí Lê Văn Lương (tháng 1/1946, ông giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự Thật và Nhà xuất bản Sự Thật, sau ngày Toàn quốc kháng chiến ông được cử làm Bí thư Thường vụ Trung ương, sau làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương) cùng Tòa soạn và Nhà in báo Sự Thật; Phòng C ở khu đồi Pụ Miếu là nơi ở, làm việc của đồng chí Trần Đăng Ninh và Ban Kiểm tra Trung ương (Cơ quan kiểm tra Đảng của Trung ương thành lập tháng 10/1948).

         Trong thời gian ở, làm việc tại ATK Định Hóa, để tổ chức triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, lãnh đạo kháng chiến kiến quốc, Tổng Bí thư chủ trì nhiều Hội nghị, bám sát tình hình thực tiễn, có nhiều chỉ đạo sâu sát, chuẩn bị toàn diện xây dựng thế và lực cho cuộc kháng chiến…đồng thời mở nhiều lớp huấn luyện về chính trị (đồng chí Trường Chinh là Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Làng Luông, xã Bình Thành, tiền thân Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay). Đồng chí Trường Chinh còn là một nhà báo chính luận sắc sảo, người anh cả trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, trong thời gian ở, làm việc tại Chiến khu Việt Bắc, đồng chí trực tiếp chỉ đạo Ban Tuyên truyền, là chủ bút của một số tờ báo lớn của Đảng: tờ Tin tức, tờ Cờ Giải Phóng, Cứu Quốc và đặc biệt là tờ báo Sự Thật (tiền thân của báo Nhân dân ngày nay).

         Thời kỳ ở, làm việc tại Phủng Hiển, cơ quan được nhân dân các dân tộc ATK Định Hóa che chở đùm bọc, chia sẻ những gian khó, thiếu thốn. Vào dịp tết, bộ phận văn phòng tổ chức cho anh em trong cơ quan ăn tết tại hội trường của Văn phòng, mời những gia đình trong xóm lên ăn tết cùng, mâm cơm đầu xuân đơn giản nhưng ấm áp với rượu hồng, xôi ngũ sắc, thịt lợn rang. Thời gian ở Phủng Hiển, vợ đồng chí Trường Chinh là chị Minh đã sinh con trai là Đặng Việt Bắc, được bà Phùng Thị Vân nhà ở ngay dưới chân đồi Khuổi Khê đã giúp đỡ gia đình trong suốt thời gian chị Minh sinh con, xúc động trước tình cảm của bà mế người Tày, vợ chồng anh Thận, chị Minh nhận bà Phùng Thị Vân là mẹ nuôi. Sau khi hòa bình hai gia đình vẫn đi lại thăm nhau.

Hiện nay địa điểm di tích đã được đầu tư, tôn tạo lập bia di tích, ghi dấu sự kiện và tôn tạo khuôn viên di tích, UBND xã Điềm Mặc phối hợp với Ban quản lý khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hoá, Thái Nguyên quản lý và phát huy giá trị di tích. Đây là địa điểm làm việc thời kỳ đầu của Tổng bí thư Trường Chinh, Văn phòng Trung ương Đảng và Báo Sự Thật tại ATK Định Hoá. Địa điểm di tích cách di tích nơi đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Trưởng ban Đảng vụ Ban tổ chức Trung ương độ 500m, cách di tích nơi thành lập Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng ở đồi Pụ Miếu, xóm Phụng Hiển, xã Điềm Mặc tầm 300m.

         Địa điểm di tích được xếp hạng Quốc gia tại Quyết định số: 10/VHTT-QĐ, ngày 09/02/1981 của Bộ Văn hoá Thông tin.

Tin liên quan