Di tích Lịch sử đồi phong tướng

13/09/2024

Trải qua những cung đường “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” chúng ta trở về với mảnh đất ATK Định Hóa - trung tâm thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp năm xưa, mảnh đất, con người nơi đây gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền với những thắng lợi to lớn của quân và dân ta. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (ngày 19/12/1946), Định Hóa trở thành ATK tuyệt mật của Trung ương, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ ở và làm việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. Như lời Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nói “Thái Nguyên chính là thủ đô của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến kiến quốc được quyết định ở đây và từ đây Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn quốc thực hiện”.

Di tích lịch sử đồi Pụ Đồn - Nơi chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (1948), xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Năm 1947, khi thực dân Pháp tiến hành mở rộng cuộc chiến tranh, nhiều em nhỏ trong sơ tán bị thất lạc gia đình, Bác đọc báo biết vậy cử các đồng chí trong văn phòng tìm kiếm được 35 em đưa về cho xây dựng lán, trại tăng gia sản xuất nuôi dưỡng các em (không xin tiền Chính phủ) thành lập trại thiếu nhi Nà Lọm.

Chiều ngày 28/5/1948, tại hội trường lớp học trại thiếu nhi Nà Lọm đã diễn ra một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng đối với cuộc đời của một vị tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ phong hàm Đại tướng Tổng Chỉ huy quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Buổi lễ được diễn ra tại hội trường bên cạnh một dòng suối lớn, gian giữa sát vách là bàn thờ tổ quốc có cờ đỏ sao vàng. Đúng một giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tay cầm bản Sắc lệnh 110/SL bước ra đứng cạnh bàn thờ rồi gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đứng cạnh, mọi người ai cũng hồi hộp chờ đợi Bác nói một điều gì đó nhưng chỉ thấy Bác im lặng... rồi rút khăn mùi xoa lau nước mắt nghẹn nghào, những giây phút im lặng, thiêng liêng... mãi sau Bác mới cất giọng trầm trầm “các cụ ta trải qua bao thế hệ chiến đấu vì độc lập dân tộc nhưng không thành, Bác cháu ta may mắn hơn nhưng chắc rằng sẽ còn phải hy sinh, mất mát nhiều. Hôm nay được phong quân hàm đại tướng cho chú Giáp là cả một quá trình hy sinh của đồng bào, đồng chí vì vậy Bác cháu ta phải quyết tâm giành cho được độc lập để thỏa lòng những người đã mất vì nước nhà”.

Tiếp đó Bác trao bản sắc lệnh trong tay cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác giao cho chú làm Đại tướng để chú điều binh, khiển sỹ làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp bước lên nhận bản sắc lệnh từ tay Bác trong ánh nắng chiều rực rỡ hòa cùng tiếng suối reo, hứa sẽ làm tròn sứ mệnh mà tổ quốc và nhân dân giao phó cùng với toàn Đảng, toàn quân hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Đại tướng vừa dứt lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh siết chặt bàn tay, ôm hôn Đại tướng trong tiếng hoan hô của mọi người. Năm đó, Đại tướng của chúng ta tròn 37 tuổi. Cũng trong buổi lễ ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chủ trì lễ phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và 09 quân hàm Thiếu tướng cho các đồng chí: Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình, Hoàng Văn Thái.

Sau khi sự kiện phong quân hàm đại tướng được công bố trên Đài tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương tây đến hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi quan sát trên toàn đất nước Việt Nam không có một trường đào tạo chính quy nào về quân sự, vậy thì các ngài dựa vào tiêu chí nào để phong hàm Đại tướng cho ông Giáp?”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một câu trả lời dí dỏm mang đầy tính thuyết phục: “Đại tướng của chúng tôi tuy chưa qua một trường lớp đào tạo chính quy nào về quân sự, nhưng cuộc chiến tranh của Việt Nam là chiến tranh du kích, xuất phát từ nhân dân để phục vụ nhân dân vì vậy đánh thắng ở cấp nào thì phong ở cấp đó, đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng, đánh thắng Trung tướng phong Trung tướng, và đánh thắng Đại tướng thì phong là Đại tướng. Đại tướng của chúng tôi đã đánh thắng các vị tướng được đào tạo chính quy về quân sự trên các trường quốc tế, đương nhiên Đại tướng của chúng tôi phải là Đại tướng”.

Cũng tại hội trường lớp học trại thiếu nhi Nà Lọm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc, từ đó ngày này đã trở thành ngày truyền thống thi đua yêu nước, những lời dạy của người về vấn đề thi đua yêu nước cho đến nay vẫn mang nhiều ý nghĩa và giá trị thực tiễn sâu sắc.

Đồi Pụ Đồn - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia và dân quân tự vệ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp là mốc son quan trọng khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam, là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của một vị tướng, một nhà cách mạng văn võ song toàn hoạt động trên nhiều lĩnh vực: quân sự, kinh tế, chính trị, khoa học, giáo dục.... Đây là địa điểm di tích quan trọng trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, từ đây quý khách có thể vượt Đèo De, Núi Hồng lịch sử thăm "Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào", thăm di tích Nha Công an Trung ương.

 

Tin liên quan