Địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tỉn Keo

13/09/2024

Địa điểm di tích lịch sử Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc tại đồi Tỉn Keo (1948 - 1954), xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Địa điểm di tích nằm ở đồi Tỉn Keo, thôn Tỉn Keo, xã Phú Đình, cách huyện lỵ 23 km về phía Tây Nam, cách thành phố Thái Nguyên 65 km về phía Tây Bắc.

         Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại Việt Bắc. Huyện Định Hóa với địa thế "Tiến khả dĩ công, khoái khả dĩ thủ" và các huyện Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) trở thành ATK của Trung ương, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

         Từ ngày 20/5/1947 đến ngày 11/10/1947 Bác cùng cơ quan di chuyển đến thôn Điềm Mặc, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) ATK Định Hóa, ở gia đình ông Ma Đình Tương, chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện, sau ra ở đồi Khau Tý, khi quân Pháp đánh lên Việt Bắc, từ 7/10/1947, cơ quan Bác di chuyển sang Làng Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai. Từ ngày 1/1 đến 7/3/1948, Bác ở, làm việc tại đồi Nà Đình, Khuôn Tát. (Theo đồng chí Tạ Quang Chiến một trong tám chiến sĩ bảo vệ, giúp việc Bác kể, Nhà báo Hoàng Tùng ghi lại lộ trình của Bác)

         Lần thứ hai Bác di chuyển đến Nà Lọm: Sáng sớm ngày 25/5/1948, khi Sơn Dương sương còn phủ trắng núi rừng, Bác cùng anh em bảo vệ, giúp việc lặng lẽ di chuyển đến chỗ ở mới đó là một chiếc nhà sàn lán đơn sơ, được chuẩn bị từ hai ba hôm trước trên quả đồi Tỉn Keo ở xóm Nà Lọm (nay là xóm Tỉn Keo), dưới chân Đèo De, ATK Định Hóa, Thái Nguyên. (Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký Bác Hồ, ghi chép lại)

Đồi Tỉn Keo đáp ứng tiêu chí của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho các đồng chí giúp việc tìm địa điểm đặt cơ quan: "Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/ Tiện đường sang Bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng ráo, kín mái/ Gần dân không gần đường"

         Bảo vệ, giúp việc cho Bác có các đồng chí Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi và Trung, Dũng, Kiên, Cường, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Đồng (tức Lộc), Tâm (Bác sỹ Lê Văn Chánh), bà Thường (Trần Thị Thái) vợ đồng chí Hoàng Hữu Kháng làm công tác dân vận trong vùng Lục Giã (Phú Đình), Thanh Định … Bác làm nương Ngô trên đồi Pụ Tung ven sườn Núi Hồng. Đi làm nương với Bác có anh: Hồng Thắng, Định và Nhất. Dụng cụ làm nương là cuốc và "con dao quắm phẻn rời".

         Tại Tỉn Keo, nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc đã được truyền đi các liên khu, các tỉnh và nhận báo cáo từ các địa phương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, để kịp thời chỉ đạo, thực hiện. Dưới mái lán vầu cọ đơn sơ trên đồi Tỉn Keo Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị, làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn và Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng, Bí thư Tổng Bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban kiểm tra Trung ương, Trần Đăng Ninh, Tổng Thư ký Ban Thi đua Hoàng Đạo Thúy, còn là nơi Bác tiếp đồng chí LêôPhiGhe Phó chủ tịch Đoàn thanh niên dân chủ quốc tế, Tổng thư ký Đoàn Thanh niên Cộng hòa Pháp, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Pháp, Nghị sĩ Quốc hội Pháp, đồng chí Sơn Ngọc Minh, nhà lãnh đạo cách mạng Campuchia, Hoàng thân XuPhaNuVông, Chủ tịch mặt trận Lào yêu nước… đầu năm 1954, Bác làm việc với đoàn điện ảnh Liên Xô do đạo diễn RoManCacMen sang làm phim "Việt Nam trên đường thắng lợi"…

         Tại Đồi Tỉn Keo, Bác đã soạn thảo và ký nhiều văn kiện quan trọng:

Từ ngày 7/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến làm việc ở căn lán nhỏ trên đồi Tỉn Keo, chân Đèo De, Núi Hồng. Người viết thư gửi Hội nghị quân y lần thứ sáu (9/3/1948) "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu";… "Một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền". Người gửi thư cho Hội nghị cán bộ Đảng trong quân đội lần thứ tư: "Các đồng chí ta trong bộ đội cần chuẩn bị đầy đủ tinh thần, nghị lực, kế hoạch để lãnh đạo bộ đội vượt qua mọi khó khăn, quyết giành cho được thắng lợi"…

         - Lời tuyên bố sau khi Pháp thành lập Chính Phủ bù nhìn, tay sai tại Hà Nội (7/6/1948).

         - Lời kêu gọi Thi đua Ái quốc: 11/6/1948.

         - Ký sắc lệnh số 206 (19/8/1948) thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao…

         - Quy định tổ chức mới của Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam (11/7/1950)

         - Thành lập Đảng uỷ mặt trận và Bộ Chỉ huy chiến dịch Biên Giới (25/7/1950)…

         Đặc biệt tại Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 của Tổng Quân uỷ (10/1953), ngày 6/12/ 1953 Bộ Chính trị, họp tại đồi Tỉn Keo đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.

         Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại “Cuộc họp Tỉn Keo” đầu tháng 10 năm 1953: Hội nghị Bộ Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh Chủ trì, dự họp có Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (các anh Nguyễn Chí Thanh và Trần Đăng Ninh không đến dự vì đang ốm mệt), Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái và một số trợ lý, giúp việc. Vào hạ tuần tháng 9/1953 ta có được bản kế hoạch của tướng bốn sao NaVa, Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, NaVa chủ trương phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tập trung bình định ở miền Nam, mùa thu năm 1954 sẽ tập trung quân ra miền Bắc tiêu diệt chủ lực của ta, hoàn thành thôn tính nước ta trong 18 tháng... Nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày đôi mắt Bác rất chăm chú. Bàn tay Bác trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại, Người nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn", Sau khi bàn luận, Bộ chính trị đã xác định phương châm tác chiến của ta là tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, phép dùng binh phải "thiên biến, vạn hóa" hướng chính của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 là Tây Bắc. Như vậy "Số phận của NaVa đã được định đoạt ở Tỉn Keo" (Võ Nguyên Giáp).

         Vào ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị, nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm kế hoạch tiến công Điện Biên Phủ…Dự họp có đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy báo cáo và đặc biệt kiến nghị với Bộ Chính trị về công tác làm đường và sửa chữa đường, vì hiện các con đường cần cho chiến dịch đều rất xấu.

         Các ủy viên Bộ Chính trị phân tích tình hình các mặt, nhận thấy một khó khăn lớn của ta là phải có đủ lương thực và dân công tiếp tế, bởi tuyến đường cung cấp từ hậu phương đến mặt trận Điện Biên Phủ, qua bao đèo cao, suối sâu, dài trên 500km. Vì vậy, bố trí tuyến giao liên, đặt các trạm nghỉ, lo hậu cần cho bộ đội dân công, phải đa dạng hóa phương tiện vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược…

         Sau khi phân tích, đánh giá các mặt mạnh, yếu của địch, sức mạnh của ta, các giải pháp về đường xá và tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Bộ Chính trị kết luận:

         Bộ Chính trị Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh "Trần Đình", nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Thành lập Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Từ ATK Định Hoá, Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức, chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, 56 ngày đêm chiến đấu giành thắng lợi trong trận quyết chiến, chiến lược Điện Biên Phủ và ngày 7/5/1954, kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương…

         Tại di tích được phục dựng lại lán họp Bộ Chính trị, lán ngủ nghỉ của Bác, lán bộ phận bảo vệ, giúp việc, hầm hào, bếp ăn bằng gỗ, vầu, lợp cọ đơn sơ…,bếp nấu ăn đào xuống đất, nấu không khói…, bãi đất nơi Bác tập thể dục, tập võ, có xà đơn để anh em luyện tập, có chuồng nuôi bò sữa ở chân đồi và vườn rau rau bí, vườn cải Xoong ở ven suối Khuôn Tát. Vầng hoa Râm bụt Bác trồng năm 1948 vẫn lên xanh tốt, có căn hầm trú ẩn và hệ thống giao thông hào rộng 70cm, sâu 1m, chạy lưng chừng đồi, phía dưới đồi còn cây Bưởi Bác trồng, tại di tích đã dựng bia ghi dấu sự kiện. Di tích Tỉn Keo và Nhà trưng bày ATK Định Hóa trở thành điểm đến không thể thiếu của các tuor du lịch về Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

         Với việc lựa chọn đồi Tỉn Keo nằm dưới chân Đèo De, Núi Hồng, một nơi bản làng nghèo nàn thưa thớt ở nơi giáp gianh 2 tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang là một sự lựa chọn tài tình mà kẻ địch cũng không thể ngờ rằng nơi "Chùa rách, bụt vàng" (Võ Nguyên Giáp). Nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tỉn Keo, nối với nơi ở, làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh, Văn phòng Trung ương Đảng ở Nà Mòn và gần nơi làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Thẩm Khen, vừa bí mật lại bất ngờ và đảm bảo an toàn để chỉ đạo kháng chiến. Đúng như sự nhận định của Bác: "Căn cứ địa vững chắc nhất là lòng dân", Bác cùng các đồng chí Trung ương được đồng bào các dân tộc "Bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng" trở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối, chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh: "Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi"…

         Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc (1948 - 1954) tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình có tầm quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích ATK Trung ương tại huyện Định Hóa, nơi ghi dấu sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những quyết sách, chủ trương, đường lối đúng đắn, đặc biệt là quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trận quyết chiến chiến lược đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Với những ý nghĩa lịch sử trên di tích Tỉn Keo đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia tại Quyết định số 10 -VHTT/QĐ, ngày 09/02/1981 .

Tin liên quan