Địa điểm di tích Báo Quân Đội Nhân dân ra số đầu ngày 20/10/1950.

13/09/2024

Địa điểm di tích lịch sử Báo Quân đội Nhân dân ra số đầu (20/10/1950), xóm Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hoá. Theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội ra tờ báo “Suối Reo”, xuất bản bằng chép tay trên giấy khổ nhỏ truyền bá trong nội bộ.

Sau khi hợp nhất đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với các đội quân cứu quốc của Đảng (15/5/1945) thành Việt Nam Giải phóng quân tại làng Quặng, xã Định Biên. Ngày 5/8/1945 ra tờ báo “Quân giải phóng” được phát hành tại khu giải phóng Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà và các vùng giải phóng, với nội dung còn giản đơn, số lượng ít, phát hành diện hẹp, phục vụ nhiệm vụ chính trị trong việc giành, giữ chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Ngày 10/3/1947 Báo Vệ Quốc Quân và sau đó tờ Báo Quân du kích ra đời, kế tục nhiệm vụ của tờ Sao Vàng lưu hành rộng rãi trong bộ đội chủ lực, dân quân du kích và tự vệ chiến đấu. Tháng 6/1950 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Nghị quyết chấn chỉnh tổ chức Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh và kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự của Trung ương. Để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác báo chí của Tổng Quân uỷ và Tổng cục Chính trị, tháng 7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sát nhập hai tờ Báo Vệ Quốc Quân và Báo Quân Du kích thành một tờ báo chung cho quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam.

Toà soạn báo là một phòng nằm trong Cục Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm kiêm Chủ nhiệm báo, đồng chí Lưu Văn Lợi từ Cục địch vận về làm Thư ký toà soạn. Vào cuối tháng 7/1950 lễ sát nhập hai Toà soạn diễn ra tại bản Quặng, xã Định Biên, ATK Định Hoá, quân số toà soạn có 22 người (17 phóng viên) hầu hết số cán bộ phóng viên từ toà soạn báo Vệ Quốc quân ở Bản Vẹ (xã Định Biên) và Toà soạn báo Quân Du kích ở Bản Dịn, xã Bộc Nhiêu ở (ATK) Định Hoá chuyển về: Thâm Tâm, Từ Bích Hoàng, Trúc Kỳ, Nguyễn Đức Mưu, Trần Long….các hoạ sỹ: Dương Bích Liên, Nguyễn Bích, Mai Văn Hiến, Xuân Tước, Trần Cư, Vũ Cao, Vũ Tú Nam...

Sau khi thảo luận đặt tên Báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất trí lấy tên tờ báo là Quân Đội Nhân Dân, bởi vì theo Người "Tên ấy nói lên bản chất cách mạng của quân đội ta, một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ" ra số báo đầu có 4 chữ Quân Đội Nhân Dân của hoạ sỹ Mai Văn Hiến và Xuân Tước, được chọn phía dưới là dòng chữ nhỏ: Tiếng nói của Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam.

Báo dự định ra 8 trang khổ lớn, một tháng 2 kỳ vào các ngày 5 và ngày 20 . Gần 20 mục được đề xuất như Xã luận, sổ tay kinh nghiệm của tôi, Phê bình tự phê bình, Đời sống nhân dân, Quân đội nhân dân, Trả lời...

Xưởng in quân đội ở thôn Khau Diều do đồng chí Nguyễn Hải trưởng phòng in phụ trách, xưởng chỉ có 12 người, in rônêô bằng giấy của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ. Toà soạn báo Quân Đội Nhân Dân xây dựng Trụ sở ngay cạnh xưởng in thuận tiện cho việc in ấn, phát hành. Các nhà lán làm bằng cột gỗ, vầu nứa, lợp lá cọ. Nhà ăn đồng thời là nhà bếp ở chân đồi, giếng nước, hội trường họp hành, buổi chiều phổ biến tin chiến thắng...Cạnh nhà lán Ban Biên tập của đồng chí Lưu Văn Lợi, Thư ký, điều hành Toà soạn. Gần lán đồng chí Lê Quang Đạo, Cục trưởng cục Tuyên huấn (sau là Chủ tịch Quốc hội), một nửa nhà là nơi làm việc, lúc hội họp đông người nhờ nhà sàn của dân ở gần.

Ngày 20/10/1950, sau gần 3 tháng chuẩn bị, báo Quân Đội Nhân Dân ra số đầu tại thôn Khau Diều, xã Định Biên, ATK Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.

Ngay trong tờ Quân Đội Nhân Dân số đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị và dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác" .

Nổi bật trên trang nhất Quân Đội Nhân Dân số 1 có bài của đồng chí Nguyễn Chí Thanh “Đánh thắng và bảo vệ mùa màng”. Phóng sự “Khi chúng ta đánh và khi chúng ta hạ súng", phản ánh trận đánh chiến đồn Đông Khê; ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng quả cảm và tinh thần nhân đạo của bộ đội ta tại mặt trận Biên Giới". Mục Hạt lúa củ khoai điểm thơ của bộ đội khá dí dỏm của Vũ Tú Nam. Trang Văn hoá, văn nghệ có truyện “Tinh cầu” của Liên Xô và bài thơ “Bát cơm gạo đỏ” của L.H.C nói lên tinh thần thương yêu của một bà mẹ đối với đứa con ngoài chiến trận. Trên Quân Đội Nhân Dân số 1 đã xuất hiện hơn 10 chuyên mục. Công tác phát hành thông qua phòng Phát hành của Tổng cục Chính trị. Báo vừa in ra, cả Toà soạn chuyển xuống phòng Phát hành đóng tại Phú Lương, chuyển xuống các đơn vị. Khối bộ đội chủ lực do các ban Tuyên huấn trung đoàn và đại đoàn chuyển; các công xưởng do Tuyên huấn các Cục Quân giới, Cục Quân dược, Cục Công binh chuyển.

Đến ngày 25/12/1950, Báo Quân Đội Nhân Dân ra 3 ngày một số. Chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Lê Hồng Phong II tại Cao Bằng - Bắc Cạn - Lương Sơn nổ ra từ ngày 16/9/1950 đến 14/10/1950 giành thắng lợi to lớn, ngay trong số 2 ra ngày 10/11/1950 Báo Quân Đội Nhân Dân dành phần lớn tiếp tục phản ánh chiến thắng Biên Giới. Chuẩn bị cho phóng viên và công nhân in ra mắt bộ đội tờ tin tại mặt trận Biên Giới, ở Khau Diều, Định Biên báo vẫn ra đều, khá phong phú, tuy chỉ có 22 cán bộ, phóng viên, nhân viên, nhưng đều tận tụy làm việc hiệu quả cho đến ngày 17/11/1950 có 4 cán bộ, nhân viên, phóng viên hy sinh: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Thâm Tâm và chú Thẩm liên lạc. Trần Đăng là phóng viên quân đội đầu tiên hy sinh tại mặt trận. Cuối năm 1953 đến tháng 7/1954 báo Quân Đội Nhân Dân tổ chức thêm một Toà soạn báo nữa ở mặt trận Điện Biên Phủ, cách ATK Định Hoá trên 500 km, thời gian đầu phát hành tuần 3 số, thời kỳ cao điểm báo ra hàng ngày. Tổng số có 133 số báo xuất bản tại mặt trận, góp phần vào chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.

Từ ngày 20 /10/1950 - 10/1954, đã có 153 số báo, với 400 trang báo và hơn 2000 tin, bào báo được viết và in tại Khau Diều.

Báo Quân Đội Nhân Dân như một “binh chủng” có tầm quan trọng hàng đầu, một mũi xung kích trong các chiến dịch. Báo Quân Đội Nhân Dân là nơi, bồi dưỡng đào tạo nên nhiều nhà báo, nhà văn cho Quân đội...

         Địa điểm di tích Báo Quân Đội Nhân Dân ra số đầu nằm trong khuôn viên nhà văn hoá thôn Khau Diều. Báo Quân Đội Nhân Dân dựng một bia đầu tiên vào năm 1999 đến tháng 11/2006 thì khởi công hoàn thành bia mới vào tháng 12/2006. Bia được hình lá cờ Tổ quốc, cán là ngọn bút dưới ốp đá màu đỏ thẫm ghi sự kiện Báo Quân Đội Nhân Dân ra số đầu ngày 20/10/1950, đài trên bộ tam cấp bằng đá Hoa cương. Phía sau là rừng chè tựa vào rừng vầu, cọ tốt tươi. Năm 2019, di tích được Báo Quân đội Nhân dân đầu tư tôn tạo xây dựng nhà bia và tôn tạo khuôn viên.

Địa điểm di tích ghi dấu những cống hiến không mệt mỏi, vượt qua bao gian khó, thử thách, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, của nhân dân ta. Sự phát triển của Báo Quân Đội Nhân Dân gắn liền với lịch sử cách mạng, chiến tranh cách mạng Việt Nam, cùng sự không ngừng lớn mạnh của quân đội, các lực lượng vũ trang Việt Nam. Năm 2007, di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 13/2007/QĐ-BVHTTDL,ngày 18/10/2007 hiện nay do Ban quản lý khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa Thái Nguyên quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị.

Tin liên quan