13/09/2024
Địa điểm di tích lịch sử Nhà tù Chợ Chu, xóm Vườn Rau, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Di tích lịch sử Nhà tù Chợ Chu là một địa điểm di tích quan trọng nằm trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Nhà tù Chợ Chu được xây dựng vào năm 1916 ban đầu được làm bằng tre, gỗ đơn sơ, đến năm 1942 nhà tù được xây dựng lại kiên cố, bằng gạch ngói, xi măng có thể giam 200 người một lúc. Tháng 8/1943, sau khi thả hết số tù nhân cũ, thực dân Pháp đưa 100 tù chính trị từ nhà tù Sơn La về Chợ Chu, trong đó có 15 đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản đã tổ chức thành một Chi bộ bí mật trong tù, lúc đầu do đồng chí Trần Danh Tuyên làm Bí thư, sau đó là đồng chí Song Hào, hai đồng chí uỷ viên là Tô Quang Đẩu và Tạ Xuân Thu, còn lại là những chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước. Chính bởi vậy mà phong trào cách mạng ở Định Hoá phát triển như vũ bão.
Nhà tù Chợ Chu thuộc đồn Chợ Chu, dưới sự chỉ huy và quản lý của đồn. Trong thời gian giam giữ các chiến sĩ cách mạng ở đây, đồn và nhà tù do tên Đại Lý (Chức danh tương đương với Phó Công Sứ) kiêm đồn trưởng Boócdiê cùng trung đội lính Khố Xanh, khoảng 50 người vừa cai quản, vừa canh giữ …
Trong giai đoạn này phong trào cách mạng ở Định Hóa và cả nước khá phát triển. Chi bộ Nhà tù Chợ Chu được sự chỉ đạo của của xứ ủy Bắc Kỳ, thông qua các đồng chí Đảng viên hoạt động trong hàng ngũ của địch ở trong đồn, do đồng chí Đoàn Như Giá (số lính 1439) phụ trách và hai đồng chí khác. Địa thế Định Hóa hiểm trở bất lợi cho sự cai trị, từ khi đưa tù chính trị về giam giữ, tên đồn trưởng hoang mang, lo sợ, không dám đối sử tàn bạo với tù nhân. Chi bộ Nhà tù Chợ Chu khôn khéo biến nơi này thành trường học Cộng Sản, tổ chức học tập lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, nắm bắt tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, lãnh đạo cách mạng … tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng bằng nhiều hình thức như nhân dịp ngày tết, ngày lễ, tổ diễn kịch lịch sử: Trọng Thủy - Mỵ Châu, Lê Hoàn trắng án và hát các bài ca cách mạng, ca ngợi quê hương đất nước, ra tờ báo Thông Ngàn … gây được tiếng vang khắp vùng, lôi kéo được nhiều người ở địa phương tham gia cách mạng, tổ chức các tổ chăn nuôi, làm vườn, đan lát, làm đồ gỗ và đồ mỹ nghệ bán lấy tiền gây quỹ và chuyển ra giúp đỡ cho các đồng chí hoạt động cách mạng bên ngoài. Đặc biệt vào khoảng đầu năm 1944, các đồng chí tổ chức tuyệt thực một tuần đấu tranh đòi giảm giờ làm, đảm bảo tiêu chuẩn ăn, không được đánh đập, được tự do xem báo chí, tiếp xúc với người nhà đến thăm, buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ.
Cuối năm 1944 tình hình cách mạng nước ta phát triển mau lẹ, Trung ương Đảng chủ trương lấy cán bộ ở Nhà tù ra để xây dựng lực lượng chấp hành chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ. Chi bộ Nhà tù đã nhất trí cử 12 đồng chí vượt ngục, còn lại tiếp tục hoạt động trong tù. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Xứ ủy và tổ chức khôn khéo bí mật của các đồng chí trong tù, người dẫn đường sang Yên Lãng (Đại Từ) là ông Lộc Văn Tự và các chiến sĩ Cứu quốc quân do đồng chí Lê Dục Tôn chỉ huy bảo vệ, đưa đón. Ngày 02/10/1944, 12 đồng chí đã vượt ngục thành công (Song Hào, Tô Quang Đẩu, Lê Hiến Mai, Hoàng Hữu Khang, Nhị Quý, Tạ Xuân Thu…). Xây dựng được Vùng căn cứ địa xung quanh Núi Hồng, huyện Định Hóa, Đại Từ (Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang). Thành lập ra chiến khu Nguyễn Huệ do đồng chí Song Hào làm bí thư, tạo cơ sở quần chúng đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Tân Trào (Sơn Dương) trực tiếp lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 thành công.
Từ Nhà tù Chợ Chu, nhiều đồng chí trưởng thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng như Thượng tướng Song hào, Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Tô Quang Đẩu, Lê Hiến Mai, Thiếu tướng Tạ Xuân Thu, Hoàng Bá Sơn, Trung Đình, Nhị Quý, Trần Thế Môn, Phạm Ngọc Mậu … hai đơn vị được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang đó là thị trấn Chợ Chu và huyện Định Hoá, nhân dân các dân tộc vinh dự được góp phần che chở, bảo vệ giúp đỡ các chiến sĩ, tự hào với truyền thống quê hương cách mạng.
Di tích Nhà tù Chợ Chu được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia theo quyết định Số: 253-1998-QĐ/BVHTT ngày 25/02/1998.