Di tích trường Nguyễn Ái Quốc 1949

13/09/2024

Địa điểm di tích Trường Nguyễn Ái Quốc (1949) (Tiền thân Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thuộc Làng Luông, xã Bình Thành nằm ở phía Nam của huyện Định Hóa. Xã Bình Thành được thành lập từ hai xã Cổ Lãm và Quảng Nạp sát nhập lại từ năm 1946 cho đến nay với 27 xóm.

Từ đầu thế kỷ XIX Quảng Nạp (Bình Thành) là cửa ngõ phía Nam của huyện Định Hóa, nơi có đường xe ngựa chạy qua được mở thông từ Thái Nguyên qua Hùng Sơn, Phú Minh (Đại Từ) lên Chợ Chu để thực dân Pháp lưu thông hàng hóa, vơ vét tài nguyên, hành quân ngăn cản phong trào cách mạng của quân và dân ta. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), nhiều đường mòn đã được mở để phục vụ nhu cầu lưu thông, liên lạc giữa các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Định Hóa: Từ Bình Thành xuyên rừng vượt Sơn Phú lên các xã phía Bắc như thị trấn Chợ Chu, Lam Vĩ sang huyện Chợ Mới (Bắc Cạn) lên Biên giới Việt Trung; Từ Bình Thành xuôi về Đại từ đi Thành phố Thái Nguyên về Hà Nội; từ Bình Thành qua Phú Đình sang Tân Trào (Tuyên Quang) nối liền mạng lưới giao thông liên lạc với các cơ quan đơn vị các tỉnh thuận tiện. 

Là mảnh đất “địa lợi, nhân hòa”, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Bình Thành là nơi đóng quân của nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương Đảng và quân đội được nhân dân đùm bọc, che chở như: Văn phòng Trung ương Đảng ở xóm Đồng Vượng, Nơi ở, làm việc của Tổng cục Bưu Điện (1946-1954), xóm Bản Là Cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh ở Làng Nập, Cục Quân nhu (Tổng Cục Cung cấp nay là Tổng Cục Hậu cần), Bộ Thông tin liên lạc ở Làng Pháng, Cơ sở in báo Cứu Quốc ở Thanh Bần, Ban Giao thông Thống Nhất Trung ương ở Bản Là, Bộ Thương binh Xã hội ở Làng Đầm, Tổng Bộ Việt Minh ở Làng Nập và trường Nguyễn Ái Quốc ở Làng Luông.

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, đánh giá và sử dụng cán bộ.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII họp vào tháng 5-1941 tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã chỉ rõ: "Việc đào tạo cán bộ nay đã trở thành một công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ, một phút. Tất cả các cấp chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý công tác này". Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 15-8-1945 quyết định "Trung ương phải đặc biệt mở lớp huấn luyện cán bộ, cán bộ bắt buộc chịu huấn luyện theo chương trình phổ thông của Đảng". Việc mở mỗi năm vài lớp, số lượng học viên không nhiều, thời gian học ngắn, xong đã xây dựng nền tảng phong trào huấn luyện, học tập của cán bộ Đảng viên trong cả nước.

Nhờ có đường lối sáng suốt, chú trọng xây dựng Đảng, huấn luyện, đào tạo cán bộ đúng đắn, với hơn 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cuối năm 1946 đầu năm 1947 tại ATK Định Hóa, các cơ quan Trung ương đã xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, các trường, lớp bồi dưỡng cán bộ được mở ở nhiều nơi, việc huấn luyện cán bộ là nhiệm vụ cấp bách. Đảng chủ trương tổ chức phong trào học tập rộng rãi, bằng việc mở lớp huấn luyện ở mọi cấp nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên đáp ứng nhu cầu khẩn trương của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những lớp học này mang tên khóa Nguyễn Ái Quốc (1946), khoá Tô Hiệu (1947), khoá Trần Phú (1948) được mở ở An Toàn Khu Định Hóa, Thái Nguyên.

Tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ II họp từ ngày 3 - 6/4/1947 tại ATK Định Hóa ra Nghị quyết “Mặc dầu bận rộn kháng chiến cũng không được ngừng việc huấn luyện vì càng kháng chiến lâu dài càng cần nhiều cán bộ mới và nâng cao trình độ cán bộ cũ”. Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ VI (Từ 14-18/1/1949) tại ATK Định Hóa thuộc Chiến khu Việt Bắc, ra nghị quyết: “Các trường Đảng mở luôn, liên tiếp, phân công rành mạch giữa trường của Trung ương, khu và tỉnh”

Vào đầu năm 1949, Trường Nguyễn Ái Quốc ở Làng Luông, xã Bình Thành, An Toàn Khu Định Hóa (Nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trở thành Trường huấn luyện cán bộ thường xuyên của Trung ương Đảng, đánh dấu bước phát triển mới mang tính bước ngoặt trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin, với vai trò là nòng cốt của phong trào huấn luyện và học tập trên toàn quốc. Trường đã đào tạo được đội ngũ huấn luyện viên cho các cấp, bám sát nhiệm vụ chính trị, coi trọng quán triệt đường lối cách mạng, giáo dục phẩm chất, tác phong, lề lối làm việc cho cán bộ nòng cốt của Đảng ta. 

Địa điểm đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc đặt tại Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên thuộc Chiến khu Việt Bắc được Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo đặc biệt công tác đào tạo cán bộ Đảng. Tổng Bí thư Trường Chinh lãnh đạo công tác tuyên huấn, đồng thời phụ trách Trường Nguyễn Ái Quốc, Đồng chí Lê Văn Lương, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng là giám đốc đầu tiên của trường. Khi mới chuyển lên tất cả cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy và học viên đều ở nhờ nhà dân xóm Làng Luông, xã Bình Thành đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở vật chất: nhà hiệu bộ, các bộ phận hành chính, văn thư, giáo vụ, quản lý học viên, bếp ăn, hội trường lớp học tất cả các nhà lán làm bằng cột gỗ, lợp mái lá cọ, vách liếp.

Phụ trách giảng dạy một số là giáo viên nhà trường còn lại là nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Trưởng ban Đảng vụ Lê Đức Thọ, Bí thư Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng.

- Khóa I mở từ tháng 2/1949 và kết thúc vào tháng 4/1949, có 40 học viên, chủ yếu là cán bộ, đảng viên cốt cán của các cơ quan Trung ương, các tỉnh trong Chiến khu Việt Bắc, tuy bộn bề công việc kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo dõi chỉ đạo lớp học. Người khuyến khích học viên thi đua học tập và tặng phần thưởng cho các đồng chí có nhiều thành tích học tập, rèn luyện.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học, giữa rừng đại ngàn Chiến khu Việt Bắc, thầy trò trường Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục khó khăn, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, của Đảng ủy, chính quyền xã Bình Thành và huyện Định Hóa vừa học, vừa làm, vừa xây dựng cở sở vật chất nhà trường.

Khóa II mở vào tháng 9 năm 1949, có 175 học viên, từ nhiều Liên khu kháng chiến về học, có cả học viên người dân tộc H’mông ở Sơn La, người Tày, Nùng, Thái, Dao ở Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn. Rất vinh dự cho khoá học, ngay buổi đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường, Người đã nói chuyện và ở lại vào buổi tối để cùng tham gia văn nghệ, ca múa cùng cán bộ, học viên.

       Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi vào cuốn sổ vàng truyền thống của trường (hiện đang lưu trữ tại Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam). Người viết:

Học để :

 Làm việc

 Làm người

 Làm cán bộ

Học để phụng sự Đoàn thể

 Phụng sự giai cấp và nhân dân

Phụng sự tổ quốc và nhân loại

Muốn đạt mục đích thì phải:

 Cần, kiệm, liêm, chính

 Chí công vô tư.”

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ mục đích học tập, nhấn mạnh sự nhất quán giữa mục đích và phương châm, phương pháp học tập, giữa việc trau dồi, nâng cao kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Những lời Bác ghi trong Sổ vàng nhà trường vào tháng 9/1949 là di huấn vô giá, là ngọn đuốc sáng soi đường cho các thế hệ học viên của nhà trường. Ngày Bác đến thăm trường lần đầu tiên đã trở thành Ngày truyền thống của Trường Đảng mang tên Người - Trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngày 21/4/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường, nói chuyện với học viên, Người thẳng thắn phê bình việc thiếu quân sự hoá, việc không chú trọng trồng rau để tự túc rau ăn, việc một số học viên có tiền hay đi “căng tin”... Thực chất Người giáo dục tinh thần cần, kiệm, liêm, chính một cách thiết thực, nhắc nhở học đi đôi với hành, lời nói đi đôi với việc làm và yêu cầu mọi học viên phải thể hiện điều đó ngay trong cuộc sống ở trường Đảng.

Thực hiện lời dạy của Bác, lãnh đạo nhà trường cùng thầy trò đã có nhiều nỗ lực xây dựng nếp sống quân sự hóa ở chiến khu, từ phòng gian, bảo mật đến sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nhà ở lớp học, hầm, hào, đẩy mạnh tăng gia trồng rau xanh bên suối Làng Luông để tự túc thực phẩm.

Trong khoá giảng thứ II này, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng ghi vào Sổ vàng: “Đối với việc học tập của mỗi đảng viên, thành công thứ nhất là biết áp dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi lúc, mỗi nơi; thành công thứ hai là đạo đức thêm cao, đảng tính thêm mạnh”.

Ngày 2/5/1950 trong dịp sang Việt Nam, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do đồng chí Leo Figuege Ủy viên Trung ương Đảng, nghị sĩ Quốc hội đã đến thăm trường và là một sự kiện rất có ý nghĩa trong quan hệ quốc tế của trường.

Đồng chí Lê Văn Lương – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương là Giám đốc đầu tiên của trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, tuy bận nhiều công việc nhưng vẫn giành thời gian chỉ đạo, kiểm tra, giúp đỡ các đồng chí cấp dưới trực tiếp quản lý điều hành, tháo gỡ khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ thi đua dạy và học tốt. Về sau đồng chí Lê Văn Lương là ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và tiếp tục làm giám đốc của trường đến năm 1956.

         Tháng 8 năm 1950 Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở xóm Làng Luông chuyển lên xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Sau đó Trường phải chuyển địa điểm nhiều lần ở các huyện Yên Sơn và Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang, rồi đến huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, tiếp tục mở các lớp học, trong đó có các lớp cán bộ miền Nam. Trước khi chuyển về Hà Nội (1954), trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo bồi dưỡng được 5.750 cán bộ phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 Theo lời kể của nhân chứng lịch sử Ông Thào Khua Chỉnh, người dân tộc H’Mông, sinh năm 1908 tại xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Long Hẹ: Năm 1952 ông từ xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, đi bộ hàng trăm ki – lô – mét vượt đèo, lội suối đến ATK Định Hóa, Thái Nguyên tham gia học lớp chính trị tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Ông kể: “Cùng đi học lúc đó với ông gồm có 6 người: Ông (Thào Khua Chỉnh ), Giống Sỉ, Vả Mua, Vàng Chống Thào, Sai Chu, Sua Vừ, họ đều là anh em trong gia đình của ông. Lúc đi mọi người đều có vợ con đi cùng, vợ ông là Và Thị Chía (sinh năm 1920) hiện nay 93 tuổi, tổng cộng cả người lớn và trẻ em là 20 người, mỗi người mang 20 kg gạo đến khi hết gạo phải cắt chuối rừng nấu ăn, mỗi người mang theo một con dao quắm, súng kíp, nồi nhỏ, lu cờ (gùi) đeo sau lưng để đựng đồ, lúc nào nghỉ thì dựng lán, ngày nghỉ đêm đi để đảm bảo an toàn bí mật, đoàn đi 20 ngày mới đến nơi. Ông tham gia học chính trị tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở làng Luông, xã Bình Thành, Định Hóa, được 3 tháng 7 ngày vào cuối năm 1952 đầu năm 1953. Lớp học của ông có trên 370 người. Dân tộc H’Mông có khoảng trên 100 người ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La cũng về học tập ở đây…”. Năm 2013, Ban quản lý Khu di tích Lịch sử – Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên đã sưu tầm được 01 con dao (hiện vật gốc), 02 bộ quần áo của vợ chồng ông Thào Khua Chỉnh, 01 lu cờ (gùi) đựng đồ, 01 cái nỏ (là những hiện vật đồng thời) góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia địa điểm trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở làng Luông, Bình Thành nói riêng và Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa nói chung.

Địa điểm di tích trường Nguyễn Ái Quốc ở Làng Luông (1949) với những dấu tích Hội trường lớp học, nhà ở câu lạc bộ, nhà ăn bằng Tre, Vầu lợp, lá cọ ghi dấu thời kỳ gian khổ, hào hùng từ một ngôi trường đào tạo huấn luyện cán bộ của Trung ương Đảng với quy mô nhỏ bé ở ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đến nay trưởng thành là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu đào tạo to lớn, đào tạo cán bộ trung cấp, cao cấp lớn nhất của Đảng ta qua các thời kỳ, đóng góp to lớn vào thành quả đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng như đào tạo cán bộ giúp Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Campuchia và một số Đảng anh em khác.

Với những ý nghĩa lịch sử trên Địa điểm di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia tại Quyết định số 2137/QĐ-BVHTTDL, ngày 06/6/2012.

Địa điểm di tích Trường Nguyễn Ái Quốc ở Làng Luông (1949) được Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thái Nguyên tu bổ, tôn tạo xây dựng nhà bia 2 tầng, 8 mái, khuôn viên và tường rào bảo vệ năm 2006. Nơi đây vẫn còn cây trám Việt Bắc cổ thụ, sân lễ hội trải dài, dựa trên những dấu tích đình Làng Luông còn lại nhân dân dựng tạm 1 nhà đền bằng gỗ đơn sơ lợp cọ, ngày rằm, tết Nguyên Đán được dân thờ cúng. Cách vị trí đền Làng Luông 100m là cây đa cổ thụ, bên cạnh là bãi đá suối làm nơi dừng chân ngắm cảnh, tiếp giáp với cánh đồng Làng Luông rộng mở.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” từ tháng 3/2019, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, công trình được tiến hành trên diện tích rộng khoảng 1,5ha, lễ khánh thành công trình tôn tạo tổ chức vào tháng 9 năm 2019, nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949-2019). Tháng 6/2020, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã bàn giao cho UBND tỉnh Thái Nguyên, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên quản lý và phát huy giá trị di tích.

Địa điểm di tích, nơi ra đời của trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là nơi ghi dấu lịch sử để học viên làm nền tảng chính trị, thi đua dạy tốt, học tốt thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học viện đã đóng góp to lớn vào việc đào tạo hàng vạn cán bộ chủ chốt của Đảng ta qua các thời kỳ, một nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước, đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nằm trong quần thể trên 130 điểm di tích lịch sử ATK Định Hóa, địa điểm di tích là địa chỉ đỏ ghi dấu sự kết tinh những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện, đào tạo cán bộ Đảng, là nơi phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin liên quan