13/09/2024
Địa điểm di tích Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng ở làm việc tại Nà Mòn, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), thực hiện đường lối “kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” bảo vệ độc lập dân tộc, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương Đảng di chuyển từ Hà Nội lên Phú Thọ, qua Tuyên Quang, Đèo Khế, Minh Tiến (huyện Đại Từ)…Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Lê Văn Lương cùng anh Lê Đức Thọ… tại An toàn khu (ATK) Định Hóa là ở nhà sàn của dân xã Quảng Nạp nay là xã Bình Thành, nơi giáp ranh với xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, cửa ngõ vào ATK, có chợ quê kháng chiến, một thị tứ khá đông đúc đầu năm 1947 của chiến khu Việt Bắc. Cùng di chuyển, đặt cơ quan làm việc với đồng chí Trường Chinh, ngoài Văn phòng Trung ương Đảng còn có bộ phận biên tập, phóng viên báo Sự Thật của Đảng, Ban Tổ chức Trung ương chủ yếu di chuyển quanh dưới chân dãy núi Hồng từ xã Điềm Mặc lên xã Phú Đình…
(Theo lời kể của Bà Nguyễn Thị Bích Thuận nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, vợ cố ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Lê Văn Lương cùng con gái thăm lại chốn xưa ở ATK Định Hóa năm 2006)
Dừng chân ở Quảng Nạp vài tháng, Tổng Bí thư cùng Văn phòng Trung ương di chuyển lên đồi Khuổi Khê, địa bàn xóm Phụng Hiển (Thanh Định, nay là xã Điềm Mặc), sau đó lại di dời lên xóm Na Mòn (xã Phú Đình), ở chân núi Hồng, gần dân, có đồng ruộng trải rộng phía trước. Từ đây đến đồi Thẩm Khen nơi Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc (1950 - 1953) khoảng 1km, cách cơ quan Phủ Chủ tịch Bác Hồ ở Tỉn Keo 2,5km. Có thể theo đường ngựa đi vượt Đèo De núi Hồng sang Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) có 6 – 7 km. Trong thời kỳ kháng chiến, đồng chí Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương Đảng di chuyển cùng các cơ quan Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Định Hóa sang Võ Nhai, lên Chợ Đồn (Bắc Kạn), sang Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang)…rồi lại quay về ở, làm việc, sống cùng đồng bào Tày, Nùng xóm Nà Mòn dưới chân núi Hồng, xã Phú Đình lâu nhất từ 1948 đến đầu năm 1954.
Văn phòng Trung ương Đảng tại Nà Mòn là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Tổng Bí thư Trường Chinh, nhận các chỉ thị, báo cáo từ Đảng bộ các tỉnh, các liên khu và là nơi phát đi chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo, lãnh đạo ra toàn quốc. Tại đây thông qua nhiều chỉ thị, chủ trương, nghị quyết quan trọng, mở các chiến dịch lớn như hạ quyết tâm giải phóng, khai thông biên giới với nước bạn Trung Quốc (1950), chiến dịch Trung Du, chiến dịch Hà Nam Ninh, chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc… Cũng tại đây đã chuẩn bị báo cáo chính trị, dự kiến nhân sự, tổ chức chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra tại Kim Bình, Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang năm 1951…
Thời ấy có phong trào làm “Báo liếp” viết trên giấy dán vào “trang báo” rộng cỡ 1,2m, dài 1,8m đan bằng vầu, nứa, từ văn, thơ, ca dao, cảm nghĩ…Một lần Tổng Bí thư đọc được bài thơ tự sự:
Đã 6 tháng rồi bu nó ơi
Nhớ mồm, nhớ má, nhớ đôi môi
Giá như anh Thận cho về phép
Quất ngựa truy phong nước mã hồi.
Đồng chí Trường Chinh hỏi bài thơ của ai viết? anh em thưa của một đồng chí Tỉnh ủy viên Phú Thọ mới được điều lên cơ quan văn phòng Trung ương Đảng đầu năm 1948…
Mấy tuần sau đi công tác về đồng chí Trường Chinh chợt nhớ hỏi đồng chí phụ trách: giải quyết chưa?
Chưa có ý kiến của anh ai dám cho đi.
Đồng chí Trường Chinh tươi cười: giải quyết đi. Thế là tác giả bài thơ được một chuyến đi phép kết hợp với công tác quý như vàng. Cũng là sự quan tâm đến đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ của đồng chí Tổng Bí thư của Đảng.
Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận cho biết: mùa đông ở ATK Việt Bắc rét cắt da, cắt thịt. Năm 1953 đồng chí Lê Duẩn từ miền Nam ra công tác có vào làm việc, qua chỗ Tổng Bí thư Trường Chinh và Lê Văn Lương ở Nà Mòn, lúc ấy bà Thuận cũng công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng. Bà đan tặng anh ba Duẩn một cái áo len, mãi sau này ra Bắc nhận trọng trách Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng ở Hà Nội, ông vẫn nhắc hồi ở Việt Bắc cô tặng cái áo ấm quá. Đồng chí Hoàng Quốc Việt ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng Bộ Việt Minh nhiều lần đến Nà Mòn làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh, cả quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng còn chụp cả ảnh kỷ niệm với Văn phòng trước cửa nhà Tại Nà Mòn, ngoài nhà sàn nơi Tổng Bí thư Trường Chinh làm việc còn có nhà làm việc của Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Văn Lương, có hệ thống hầm phòng tránh máy bay địch sát chân núi… Sau khi đồng chí Lê Đức Thọ ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng phụ trách công tác tổ chức được Bác Hồ và Trung ương cử vào Nam công tác, đồng chí Lê Văn Lương kiêm phụ trách cả công tác tổ chức của Trung ương Đảng…
Trong một lần gặp PGS.TS Đặng Việt Bích, con trai của đồng chí Trường Chinh, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội trở lại ATK Định Hóa. Ông cho biết mấy anh em cùng mẹ sống ở Phụng Hiển (Điềm Mặc) lên Nà Mòn, xã Phú Đình với một thời thơ ấu mang nặng nghĩa tình với bà con dân tộc nơi đây…