Địa chỉ: xã Phú Đình, huyện Định Hóa
Trước khi hành hương về di tích Chủ tịch Hồ chí Minh ở đồi Nà Đình, xóm Khuôn Tát, tôi hỏi thầy Lương Bèn, phó Chủ nhiệm khoa Văn trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên: – Thưa thầy Khuôn Tát là gì? – Khuôn Tát có nghĩa là thung lũng có thác nước chảy… Suối Khuôn Tát, bắt nguồn từ dãy núi Hồng chảy qua, người Dao gọi bản (xóm) mình là Khuôn Tát, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Tại nơi đây còn lưu giữ một quần thể di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đồi Nà Đình nơi có nhà sàn Bác ở, làm việc. Cây đa Khuôn Tát. Đoạn suối Khuôn Tát, nơi Bác cùng anh em giúp việc, bảo vệ câu cá và tắm giặt. Hồi đầu kháng chiến, Khuôn Tát chỉ có vài ba nóc nhà thưa thớt. Rừng rậm, núi non trùng điệp, con suối khuôn tát chảy quanh vài thửa ruộng bậc thang. Bên kia núi Hồng là xã Tân Trào (Tuyên Quang). Từ nơi Bác ở Khuôn Tát sang lán Nà Lừa, cây đa tân Trào có 5 – 6 km đường ngựa đi. Xuôi theo dòng suối xuống 2,5 km đến thác 7 tầng Khuôn Tát như bậc thang nhà sàn, nổi tiếng vùng Việt Bắc. Lèng Thị Bích, cô gái Tày duyên dáng hướng dân viên khu di tích đưa chúng tôi len lỏi từ Tỉn Keo ngược suối Khuôn Tát, bám sườn đồi 2,5 km theo con đường Bác đi năm xưa lên di tích đồi Nà Đình nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làm việc. Lần 1: từ 20 / 11/ 1947 đến 28/ 11/ 1947, lần 2: từ ngày mùng 1/ 1/ 1948 đến ngày 7/ 3/ 1948, lần 3: từ 5/ 4/ 1948 đến 25 / 5 /1948 cuối năm 1953 và đầu năm 1954. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ tổng tư lệnh lên ATK Định Hóa lập đại bản doanh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đầu tiên cơ quan Bác ở đồi Khau Tý (ngày 20/ 5/ 1947), xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc), ATK Định Hóa Bác viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi dưỡng đạo đức, tác phong, làm việc cho cán bộ, đảng viên, Người viết bài thơ “Cảnh khuya” nổi tiếng. Khi quân Pháp đánh lên căn cứ địa Việt Bắc ngày 8/ 10/ 1947, Bác chủ tọa họp Ban thường vụ Trung ương chỉ thị “phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Người cùng Bộ tham mưu di chuyển sang Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Đến trung tuần tháng 11/ 1947 khi quân Pháp thất bại nặng nề, cho quân nhảy dù xuống Đình Cả, La Hiên, Tràng Xá, Võ Nhai… thì trước đó Bác cùng các cơ quan Trung ương đã trở lại ATK Định Hóa. Trong sắc áo chàm, cô sơn nữ thuyết minh, giọng như gió thoảng rừng chiều: ngày 20/ 11/ 1947, lần đầu Bác ở làm việc tại đồi Nà Đình. “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” với dân bản Khuôn Tát, từ đó đến ngày 25/ 5/ 1948 cơ quan Bác di chuyển nhiều nơi từ các ATK: Định Hóa, lên Chợ Đồn, sang Sơn Dương sau lại về Khuôn Tát. Nhà sàn của Bác và nhà lán anh em giúp việc trên đồi Nà Đình lợp cọ, cột gỗ, vách bằng nứa, có sàn, cửa sổ thông thoáng, Bác thường ở làm việc dưới sàn, xung quanh có hàng rào nứa đan chéo, cao gần 2m chống thú dữ, có địa đạo (hầm) thông từ nền nhà ra khe suối nhỏ để thoát khi có động. Dưới nhà sàn Bác độ hơn 10m là nhà lợp cọ của bảo vệ giúp việc, có sân, bàn ăn làm bằng vầu có 4 chân cắm xuống đất. Nhà lán được dân trông coi sau mỗi lần di chuyển về bác cung anh em vẫn còn chỗ ăn nghỉ, làm việc. nơi đây có nhiều cây phách cổ thụ cỡ hai ba người ôm, các bà, các mế hay lấy vỏ ăn trầu, vào hè hoa phách rụng tím lối mòn… nơi bác ở nhiều măng vầu, măng nứa luộc, xào đều ngon… khiến nhà thơ Tố Hữu ngẩn ngơ: Ve kêu rừng phách đổ vàng Nhớ cô em gái hái măng một mình Trong lần chúng tôi được cây cọ lão làng Phan Kế An, nguyên Phó chủ tịch, Tổng thư ký hội Mỹ thuật Việt Nam (con cựu Phó thủ tướng Phan Kế Toại) ở tuổi ngoài 80 biệt thự ở phố Thợ Nhuộn. Ông kể lại: Hồi tháng 11/ 1948 tôi công tác ở Báo Sự thật được Tổng Bí thư Trường chinh cử lên ở với Bác tại Khuôn Tát hơn một tháng để vẽ chân dung Người (vẽ được 21 bức chọn một bức đăng Báo sự thật) kỷ niệm hai năm toàn quốc kháng chiến. Đồng chí Lê Giản giám đốc Nha công an Trung ương đưa cố vấn Công an Trung Quốc đến làm việc với Bác, cố vấn băn khoăn công tác bảo vệ chủ tịch có đơn giản, sơ sài không? Bác cảm ơn sự lo toan đầy trách nhiệm của đồng chí cố vấn. Người tâm sự: Toàn thể đồng bào chúng tôi đoàn kết, quyết tâm kháng chiến, giải phóng đất nước. Đồng bào rất tin yêu Đảng, quý mến Hồ Chủ Tịch, chúng tôi cũng rất tin tưởng đồng bào một lòng sắc son theo Đảng, ủng hộ Đảng, bảo vệ cán bộ đảng viên. Đồng chí từ Nha công an tới đây không thấy một chạm gác, không bị sét hỏi giấy tờ vì đi theo chú Lê (tức Lê Giản), nếu kẻ sấu đến tấn công thì chắc chắn nó chẳng thoát khỏi tay quần chúng… Các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp lên Khuôn Tát từng làm việc với Bác… Người lập tổ dân vận, cử anh em hướng dẫn bà con ở Khuôn Tát, Nà Lọm, Tỉn Keo… xây dựng cuộc sống mới, vệ sinh, phòng tránh bệnh tật, học chữ, học cách làm ăn mới, bảo mật, phòng gian. Bà con nơi đây bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan Bác ở làm việc. Vào đầu tháng 1/ 1954, tại Phủ chủ tịch ở Khuôn Tát, chủ tịch Hồ chí Minh thay mặt Bộ Chính trị cử Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, thiếu tướng Hoàng Văn thái Phó tổng Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy chiến dịch. Lê Liêm phó chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp làm Chủ nhiệm cung cấp. Đại Tướng tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, chỉ huy trưởng mặt trận, … được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ: Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, cứ quyết định rồi báo cáo sau. Khi chia tay Bác nhắc: chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Rời cơ quan Bộ tổng Tư lệnh ở Bảo Biên, xã Bảo Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận ngày 5/ 1/ 1954 (mùng một tháng chạp năm Giáp Ngọ), mấy hôm sau Bác đi công tác ghé vào cơ quan Bộ tổng Tư lệnh, về qua Đèo De lúc dừng chân ngắm “mây đèo” bảng lảng sườn núi Hồng giữa “Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”, Bác nhớ tới người học trò thân yêu đang cầm quân xông pha trận tiền Tây Bắc cách xa trên 500km. Bác gửi gắm niềm tin yêu qua bài thơ: “Bách lý tầm quân vị ngộ quân Mã đề đạp toái lĩnh đầu vân Quy lai ngẫu quả sơn mai thụ Mỗi đóa hoa vàng nhất điểm xuân” Giáo sư Phan Văn Các dịch: Trăm dặm tìm không gặp cố nhân Mây đèo dẫm vỡ ngựa chồn chân Đường về chợt gặp cây mai núi Mỗi đóa hoa vàng, một nét xuân. Bác cùng anh em làm sân bóng chuyền bên cây đa Khuôn Tát, dùng lưới đan bằng dây rừng chơi bóng chuyền vào giờ nghỉ buổi chiều, có rào bảo vệ bằng nứa đan mắt cáo ngăn không cho bóng lăn xuống khe suối, họa sĩ Phan Kế An nhớ lại: Bác phát bóng, búng bóng, đệm bóng chắc chắn, nhưng tuổi già chỉ đỡ được những quả nhẹ nhàng ở phía trước. Hễ bên kia bị thua là cánh trẻ nhằm Bác bỏ nhỏ. Những lúc ấy Bác thường cười và hô: “A, bên kia truy tủ rồi. Trường, Kỳ, Kháng, Chiến đâu?…bảo vệ tủ!” Dưới tán đa Khuôn Tát Bác cùng anh em tập võ, môn Thái cực quyền rèn sức khỏe dẻo dai, để còn đi chiến dịch, họp hành, di chuyển, chỉ đạo hoạt động kháng chiến, kiến quốc. Đoạn suối sau cây đa nơi Bác cùng anh em bơi lội, tắm giặt, câu cá, du khách xuôi theo suối khoảng 2,5 km chơi thác 7 tầng Khuôn Tát tham quan Nhà trưng bày ATK Định Hóa, di tích Tỉn Keo, nơi Hồ Chủ Tịch chủ trì cuộc họp Bộ chính trị ngày 6/ 12/ 1953 quyết định mở chiến dịch Điệm Biên Phủ. Ngược đèo De dâng hương Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi sang khu di tích lịch sử Tân Trào… Mùa xuân này Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên làm lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lên ATK Định Hóa lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và khai trương năm du lịch quốc gia về “Thủ đô gió ngàn” – Chiến khu Việt Bắc, bạn đến xóm Khuôn Tát có 63 hộ, 335 nhân khẩu, có điện lưới thắp sáng, hòa quyện với ánh trăng rừng, các hộ có xe máy, vô tuyến, các sét, có nhà lợp ngói cuộc sống ngày càng khá lên, quân dân xã Phú Đình và huyện Định Hóa được phong anh hùng lực lượng vũ trang trong khánh chiến chống thực dân Pháp. Bà con nơi đây vẫn giữ nếp sống chất phác, thật thà, hiếu khách, gìn giữ di tích Bác Hồ, tới nhà nào bạn cũng được mời rượu, và tâm sự ngày xưa… Bác sưởi lửa đêm đông, uống rượu men lá chúc tết nhà mình.