Di tích lịch sử Khau Tý – nơi Bác ở làm việc đầu tiên tại ATK Định Hóa

Địa chỉ: xã Điềm Mặc tỉnh

Di tích Chủ tịch Hồ chí Minh ở đồi Khau Tý rộng khoảng 2,3 ha, tiếp nối với vài ba quả đồi rừng nằm hẻo lánh bên cánh đồng Thẩm Doọc, Nà Lạng, Nà Tra. Đồi cao cách mặt ruộng chừng 10 đến 15m, xanh ngát vàu, cọ, suối Đình chảy quanh thuộc xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc tỉnh Thái Nguyên), từ đây có đường mòn ra Quảng Nạp đi Phú Minh, huyện Đại Từ hoặc ra Chợ Chu ngược lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) vượt đèo De, núi Hồng sang Tân Trào (Tuyên Quang), một nơi địa lợi nhân hòa, “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” thuận tiện cho việc bảo vệ và liên lạc trong căn cứ địa Việt Bắc và đi toàn quốc. Vào ngày 20/ 5/ 1947 Bác Hồ cùng 8 chiến sỹ bảo vệ, giúp việc “Trường- Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi” do Người đặt tên, vừa để giữ bí mật vừa là khẩu hiệu sống thể hiện “Quyết tâm kháng chiến của chúng ta” xây dựng “Phủ Chủ tịch” đầu tiên tại đồi Khau Tý, căn nhà sàn của Bác được ngăn đôi có cửa vào đằng trước qua ba bậc cầu thang và cửa thoát phía sau, một bên người ở và làm việc, một bên cho bộ phận bảo vệ giúp việc, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ ở An toàn khu Định Hóa lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp. Cùng ở Điềm Mặc gần cơ quan Bác có Tổng bí thư Trường Chinh, đồng chí Lê Văn lương và văn phòng Trung ương Đảng ở xóm Phụng Hiển, Bộ Trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp cùng văn phòng Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy, ở xóm Khẩu Hấu. Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Bộ Tổng tham mưu ở xóm Khẩu Tràng sau sang xóm Bản Quyên, Quyền Trưởng ban thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng ở nhà ông Nguyễn Văn Lá (xóm Đồng Mụa). Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt và Xuân Thủy cùng Báo Cứu quốc ở xóm Roòng Khoa. Điện ảnh và nhiếp ảnh ở đồi cọ Bản Bắc… Tại Khau Tý, Bác Hồ chủ trì cuộc họp Ban thường vụ Trung ương Đảng, có Tổng bí thư Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp luận bàn và ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp 1947 đánh lên căn cứ địa Việt Bắc. Tại đây, Bác đã sáng tác bài thơ “Cảnh Khuya”: Đêm khuya nhân lúc quan hoài Lên câu thơ thẩn chờ ai họa vần Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng củ thụ bóng lồng hoa Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà Nước nhà đương gặp lúc gay go Trăm việc ngàn công đều phải lo Giúp đỡ nhờ anh em giúp đỡ Sức nhiều thắng lợi lại càng to. Bác thay mặt Chính phủ đồng bào lấy ngày 27/ 7/ 1947 “là ngày Thương binh toàn quốc”, Người gửi thư cho ban tổ chức công bố tại Hùng Sơn, Đại Từ: “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là 1.127 đồng. Ngày 27/ 7/ 1947, Hồ Chí Minh” Vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10/ 1947, trước lúc quân Pháp tiến công lên Việt Bắc, tại Điềm Mặc, Bác hoàn thành cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z gồm 6 phần: I- Phê bình và sửa chữa, II- Mấy điều kinh nghiệm, III- Tư cách và đạo đức cách mạng, IV- Vấn đề cán bộ, V- Cách lãnh đạo, VI- Chống thói ba hoa – Cuốn sách gối đầu giường của cán bộ chiến sỹ. Như vậy, từ 60 năm về trước Người đã căn dặn “Phải sửa đổi lề lối làm việc của Đảng và cho đến ngày nay trong công cuộc đổi mới, những lời dạy của Bác cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị”. Việc chọn Định Hóa làm ATK Trung ương – Chứng tỏ tầm nhìn chiến lược Hồ Chí Minh: “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Người cùng các cơ quan: Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh di chuyển qua các huyện ATK để hoạt động, chỉ đạo kháng chiến từ Định Hóa sang Võ Nhai, Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) nhưng đều quay lại ở Định Hóa là chính. Tại Tỉn Keo xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Bộ chính trị tháng 9/ 1953 thông qua chủ trương kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điên Biên Phủ (6/ 12/ 1953) trận quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương. Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khau Tý đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia theo quyết định số: 92/2006/QĐ – BVHTT, ngày 15/11/2006. Tại nơi đây đã xây dựng lại nhà lán Bác ở và làm việc, hầm hào, bảo vệ, vầng hoa Râm bụt Người trồng 60 năm trước vẫn lên xanh bên cây trám Việt Bắc cổ thụ hai người ôm cao vút quyện với tán cây đa “Bóng lồng hoa” trong thơ Bác… Xứng với truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, nhân dân xã Điềm Mặc được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống thưc dân Pháp.


Danh sách di tích lịch sử