Địa chỉ: xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc
Năm 1952, phòng Điện – Nhiếp ảnh thuộc Nha thông tin tuyên truyền từ Bình Ca tới đồi Cọ, xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, xây dựng cơ ngơi đầu tiên cho ngành điện ảnh và nhiếp ảnh cách mạng. Nhà nhiếp ảnh – Đạo diễn Phạm Văn Khoa là phụ trách, Ban phụ trách gồm đồng chí Nguyễn Hùng (tức Nghinh), Nguyễn Ngọc Chung, Vũ Phạm Từ, Mai Lộc (từ miền Nam ra). Sau đó bổ sung thêm nhà quay phim Phan Nghiêm, Phan Trọng Quang, Nguyễn Quốc Phi, Quốc Huy. Ban phụ trách gồm 9 đồng chí, với khoảng 30 người, bộ máy có Hành chính quản trị, đồng chí Nguyễn Hùng phụ trách; bộ phận Biên tập, chính trị do Vũ Phan Từ phụ trách, gồm các họa sỹ, nhiếp ảnh, nhạc sỹ; bộ phận Kỹ thuật do đồng chí Phan Nghiêm phụ trách, lo in tráng phim, làm ảnh gồm các đồng chí Trần Bình Nguyên, Bá Vượng, công tác chiếu bóng là tổ nhiếp ảnh có đồng chí Tô Na, Trần Tình… Khu đồi Cọ, Bản Bắc nguyên là nhà khách của Trung ương Đảng, tối chiếu phim đầu tiên ở chiến khu diễn ra tại đồi Cọ với rạp chiếu bóng khang trang nhất bấy giờ. Đồng chí Phan Nghiêm đã mày mò tìm cách in tráng phim lần đầu tiên thu được tiếng, lồng được nhạc vào phim, sự kiện lịch sử quan trọng này được ứng dụng đưa vào bộ phận Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc, phim tự quay in, in tráng thu tiếng đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam ở đồi Cọ, Bản Bắc, một kỳ tích, sự kiện trọng đại của nền Điện – Nhiếp ảnh non trẻ của cách mạng Việt Nam. Tại khu đồi Cọ, phóng viên, cán bộ, công nhân viên đã xúc động đón nhận công bố sắc lệnh số 147/SL (ngày 15/3/1953) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính thức khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Lúc đó chỉ có 1, 2 máy quay phim 16 ly, 2 máy chiếu 35 ly và vài ba chiếc máy nổ, mỗi đội nhiếp ảnh chiếu phim có từ 7 – 8 người (nhiều 13 đến 14 người) khiêng vác, chuyên trở bằng xe trâu, xe bò đến các địa điểm thuộc chiến khu Việt Nam. Ban ngày mở triển lãm ảnh (13 x 18cm) và (18 x 24cm) gài vào panô đem chiếu phim và đã từng phục vụ cán bộ, bộ đội nhân dân ở km 31, Chợ Chu, Đại Từ, Thái Nguyên…phát triển xuống vùng tự do Thanh Hoá, Nam Định, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn…Sau này được Liên Xô viên trợ 10 bộ máy chiếu Môtxky lắp chiếu phim 35 ly, máy nổ, âmply đã phát triển làm 12 đội phục vụ chiến dịch Điên Biên Phủ và các địa phương. Trên 200 thợ máy nổ, máy chiếu, thuyết minh, chụp ảnh đã được đào tạo cấp tốc cho địa phương, đơn vị bộ đội, cho các chiến trường để tung về các liên khu trong cả nước, đem phim ảnh phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Khu đồi Cọ, Bản Bắc đã hội tụ các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng như: Vũ Năng An, Tô Na, Đinh Đăng Định…cùng các hoạ sỹ Phạm Văn Đôn, Lê Lam, Nguyễn Thị Kim, Trần Đình Thọ, Phan Kế An, Đào Đức, Ngọc Linh…Kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp, nhà quay phim Phan Nghiêm, đạo diễn Phạm Văn Khoa từng cống hiến hết mình cho sự nghiệp điện ảnh quốc gia, chiếu bóng chụp ảnh ở đồi Cọ, Bản Bắc vinh dự được đón Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Trường Chinh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng… Từ đây, các tổ quay phim, chụp ảnh, chiếu phim lên đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Khoảng tháng 4/1945, đồi Cọ đã đón nhà điện ảnh Xô Viết RôManCacMen sang làm bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Địa điểm di tích nơi khai sinh ngành Điện ảnh – Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam tại đồi Cọ, Bản Bắc, Điềm Mặc, Định Hoá, Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.