Đồi Khau Tý – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc năm 1947

15/08/2023

Với tầm nhìn chiến lược lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Nguyên luôn được coi là vị trí chiến lược trong căn cứ địa Việt Bắc, là ‘Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp” như Người đã nhận định “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”

         Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ làng Xảo, xã Hợp Thành, Sơn Dương, Tuyên Quang qua Đèo Khế, Quảng Nạp, Bình Thành điểm dừng chân đầu tiên của Người tại ATK Định Hóa chính là xã Điềm Mặc. Tại đây vào những ngày đầu Người ở tại nhà ông Ma Đình Tương lúc bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Định Hóa. Sau đó, Người cử đồng chí Nhất, đồng chí Kỳ cùng 9 đảng viên trong xã gấp rút dựng cho Người một căn lán nhỏ trên đồi Khau Tý. Căn lán được dựng theo lối kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc vùng Việt Bắc, cột tre, vách nứa, lợp lá cọ thông thoáng. Từ đây có nhiều đường mòn thuận tiện sang Sơn Dương (Tuyên Quang), xuống Đại Từ (Thái Nguyên), lên Chợ Chu, Chợ Mới (Bắc Kạn) cùng nhiều đường tắt đảm bảo đi lại an toàn bí mật.

         Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối, quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc. Ngay sau khi thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn thì tại Phủ Chủ tịch đầu tiên trên đồi Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của thực dân Pháp 1947.

          Trong khi thực dân Pháp mở các cuộc tấn công ồ ạt lên Việt Bắc, chúng ra sức lùng sục tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến của ta thì tại Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành cuốn “Sửa đối lối làm việc” với bút danh X.Y.Z để đào tạo đạo đức, tác phong cán bộ đảng viên. Người không chỉ nhắc nhở “Phải sửa đổi lề lối làm việc của Đảng” mà còn căn dặn mỗi người chúng ta phải nhớ rằng “Cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành ưu điểm lớn rất có lợi cho đảng và công cuộc kháng chiến”.

 Cuốn sửa đổi gồm 6 phần;

1.  Phê bình và sửa chữa

2.  Mấy điều kinh nghiệm

3.  Tư cách và đạo đức cách mạng

4.  Vấn đề cán bộ

5.  Cách lãnh đạo

6.  Chống thói ba hoa

         Theo như đồng chí Vũ Kỳ nhận định: “Đây là một tác phẩm có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên trong điều kiện đảng ta đang cầm quyền. Và điều kỳ diệu là ngày nay trong công cuộc đổi mới những lời Bác dạy đã hơn nửa thế kỷ trôi qua vẫn giữ nguyên giá trị.” 

         Cũng tại đây vào tháng 7/1947, Người đã viết thư gửi Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc chọn lấy 1 ngày làm ngày Thương binh toàn quốc. Bức thư được công bố vào ngày 27/7/1947 tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ: “ Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi cùng các nhân viên trong phủ Chủ tịch cộng lại là 1.127 đồng”. Từ đó ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tri ân tình cảm với thương binh và các gia đình thương binh liệt sỹ.

         Mặc dù bận trăm công ngàn việc trong điều kiện kháng chiến vô cùng khó khăn gian khổ Bác vẫn dành tình cảm cho thơ ca, vào một đêm trăng sáng giữa núi rừng đại ngàn Việt Bắc, dưới tán cây đa cổ thụ nghe tiếng suối Đình róc rách chảy, Bác đã sáng tác bài thơ Cảnh khuya:

                            “Tiếng suối trong như tiếng hát xa

                            Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

                            Cảnh khuya như vẽ Người chưa ngủ

                            Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

         Bài thơ toát lên một tâm hồn thi sỹ yêu nước nồng nàn, khát khao cháy bỏng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

         Hàng ngày ngoài giờ làm việc Bác vẫn chăm chỉ tập thể dục với xà đơn và thái cực quyền để rèn luyện sức khỏe, kế đó là bếp nấu không khói và bộ phận bảo vệ giúp việc. Đến cuối năm 1947, để đảm bảo an toàn bí mật Bác cùng một số cơ quan di chuyển về sát chân núi Hồng tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ.

         Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng về ATK lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Mảnh đất và con người nơi đây đã thay đổi rất nhiều, nhiều đồng bào, đồng chí nay không còn nhưng những dấu tích xưa nay vẫn còn đây, giữa rừng vầu, cọ, cây đa, cây trám cổ thụ, vầng hoa dâm bụt Bác trồng năm 1947 vẫn lên xanh tốt.

         Di tích lịch sử Khau Tý đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng quốc gia năm 2006. Hiện nay dưới chân đồi Khau Tý là nhà sàn đón tiếp khách của Ban quản lý Khu di tích Lịch sử – Sinh thái ATK Định Hóa, trưng bày bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số hình ảnh của Người cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

          Trở về Khau Tý hôm nay, ta vẫn bắt gặp những gương mặt thân quen của các pò, các mế, từng nhường đất, nhường ruộng, nhường cả nhà cho các đồng chí Trung ương ở, làm việc, sắt son theo Đảng, bảo vệ Bác và bộ đội với khẩu hiệu “ba không”. Trong hành trình này chúng ta sẽ được đến thăm làng Văn hóa du lịch Bản Quyên, dưới những nếp nhà sàn quý khách sẽ được thưởng thức những làn điệu then, đàn tính, thưởng thức những nét ẩm thực đặc sắc tinh tế của đồng bào Tày, Nùng nơi đây với cơm lam, xôi ngũ sắc, gà đồi, cá suối…cùng giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại.

 

Tin liên quan