28/03/2023
Với việc đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử cách mạng; cải tiến phương thức hoạt động, phục vụ, năm 2022, Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa đã thu hút gần 135 nghìn lượt du khách. Trong gần ba tháng đầu năm nay, ATK Định Hóa đã đón gần 600 đoàn với hơn 34 nghìn lượt du khách tham quan, trải nghiệm.
Tương tự, tháng 11/2021, tỉnh Bắc Kạn khai trương Cổng Thông tin du lịch thông minh kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp. Nhờ tích hợp bản đồ số du lịch và thông tin vị trí, du khách có thể chủ động lập và khám phá hành trình của mình trong suốt chuyến đi đến ATK Chợ Đồn.
Tuy nhiên, lượng du khách đến với các khu di tích cách mạng tại ba tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng ở ba tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, gian nan nhất là ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn) do chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo xứng tầm, nên lượng khách du lịch hằng năm rất ít ỏi.
Đến nay, Bắc Kạn mới chỉ có 19 di tích được tu bổ, tôn tạo (trong đó có ba di tích thuộc quần thể di tích ATK Chợ Đồn), còn hơn 20 di tích chưa được tu bổ, tôn tạo và phát huy. Tổng vốn đầu tư đã giải ngân trong những năm qua chỉ hơn 56 tỷ đồng. Phần lớn các di tích chưa có đường giao thông ra vào thuận lợi nên không phát huy được mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch lịch sử văn hóa, du lịch về nguồn.
Mỗi năm, ATK Chợ Đồn và một số di tích lịch sử khác của Bắc Kạn chỉ đón khoảng 400 lượt khách-chủ yếu là người làm chuyên môn đến công tác, nghiên cứu, học tập. Trong khi đó, là ATK trong khu vực vẫn đang có các mục tiêu quân sự, nên việc triển khai các dự án đầu tư tại đây rất hạn chế, dẫn tới người dân không có sinh kế bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Sự quan tâm, đầu tư, phối hợp trong nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích cũng là vấn đề đáng bàn. Tại Cao Bằng hiện còn hơn 100 di tích, danh lam thắng cảnh chưa được xếp hạng. Một số di tích chưa được cắm biển bảng chỉ dẫn, giới thiệu dẫn đến ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị. Thí dụ như cây cầu đá Cốc Khoác ở thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh được xây dựng từ thời nhà Lê cách đây mấy trăm năm, đến nay chưa được đầu tư hệ thống biển chỉ dẫn đường, rất ít du khách biết và đến tham quan, chiêm ngưỡng công trình cổ mang nhiều giá trị về kiến trúc.
Bí thư Huyện ủy Chợ Đồn, Hà Đức Tiến cho biết, huyện đã ban hành đề án quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện sẽ tích cực quảng bá những giá trị du lịch, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa phương, khuyến khích huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch ATK.