08/04/2025
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, những người làm báo lại bồi hồi nhớ về nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam. Cách đây tròn 75 năm, vào ngày 21-4-1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội những người viết báo - nay là Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức được thành lập.
Vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, các cơ quan như: Mặt trận Liên Việt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Báo Cứu Quốc... đã đến ở và đặt trụ sở tại xóm Roòng Khoa. Khi đó đồng chí Xuân Thủy được bầu làm thường trực Mặt trận Liên Việt, kiêm Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc (nay là báo Đại Đoàn Kết). Ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam được tổ chức tại đây, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng, nhà báo Hoàng Tùng (Tập san nội bộ) và đồng chí Đỗ Đức Dục (báo Độc lập) làm Phó Hội trưởng, nhà báo Nguyễn Thành Lê (báo Cứu quốc) làm Tổng thư ký, các đồng chí Đỗ Trọng Giang (báo Lao động), Như Quỳnh (báo Phụ nữ), Quang Đạm (báo Sự thật), Trần Lâm (Đài tiếng nói Việt Nam) và Hoàng Tuấn (Việt Nam Thông tấn xã)... được bầu làm ủy viên.
Trong thảo luận tại Đại hội, nhiều đại biểu thấy rằng tên cũ "Đoàn báo chí kháng chiến" không thể hiện được đầy đủ tính đoàn kết rộng rãi của giới báo chí nước ta (khi đó hoạt động ở cả vùng tự do lẫn vùng địch tạm chiếm), hơn nữa Hội còn có nhiệm vụ lâu dài trong kiến thiết đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi, do vậy Đại hội đã nhất trí lấy tên hội là "Hội những người viết báo Việt Nam". Điều lệ được Đại hội thông qua, nêu rõ mục đích là góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng nghề nghiệp của mình, bênh vực quyền lợi và nâng cao địa vị của những người viết báo... Ngày 2/6/1950, Bộ Nội vụ Chính phủ nước ta chính thức công nhận sự hợp pháp của Hội những người viết báo Việt Nam và Hội cũng được công nhận là thành viên chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng. Sau này, Hội những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam.
Lớn mạnh cùng kháng chiến, trưởng thành cùng Đảng và nhân dân, trải qua từng giai đoạn lịch sử, báo chí Việt Nam luôn phát triển cả về tổ chức, về những hoạt động và đóng góp. Đến nay, với hơn 22 nghìn hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh và tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
ATK Định Hóa rất vinh dự và tự hào được Đảng và Nhà nước chọn làm điểm di tích lịch sử nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa hôm nay quyết tâm chung sức, chung lòng tô thắm hơn truyền thống lịch sử của mảnh đất anh hùng, xứng danh quê hương “Thủ đô gió ngàn".