Địa điểm ra đời Tiểu ban nông dân Trung ương và Hội nông dân...

02/08/2013

Địa điểm di tích cơ quan Tiểu Ban Nông Vận Trung ương và Hội Nông Dân Cứu Quốc Việt Nam ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá.

   Đầu năm 1950, ATK Định Hoá được xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) là một trong những địa phương tập trung nhiều cơ quan Trung ương. Ở Roòng Khoa còn tập trung các cơ quan như: Tổng bộ Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, báo Cứu Quốc, Hội Phụ Vận, Nông Vận, Thanh Vận…

   Sau ngày độc lập, Hội Nông Dân khi ra đời mới có tổ chức ở các cấp làng, xã, tỉnh. Từ khi thành lập Mặt trận Việt Minh (tháng 5 năm 1941) mới hình thành hội ở nghị quyết, và một số địa phương, nhưng hoạt động còn rời rạc, nhiều địa phương có không ít phú nông, địa chủ tham gia vào ban chấp hành hội, một số vùng có đồng bào công giáo, vùng địch tạm chiếm, miền núi tuy đã có tổ chức, nhưng hoạt động còn hạn chế.

   Ngày 5/12/1948, Ban thường vụ Trung ương Đảng có quyết định số 50/QN/TƯ, thành lập các ban và tiểu ban của Đảng trong đó có tiểu Ban Nông Vận thuộc ban tổ chức Trung ương, góp sức vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đến với nông dân.

   Từ năm 1949-1952 cơ quan của Tiểu ban Nông vân Trung ương và Hội Nông dân Cứu quốc Việt Nam được đặt tại xóm Roòng Khoa, xã Thanh Định, nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá. Ông Trương Ngọc Uẩn lúc đó là chánh văn phòng Tiểu ban Nông vận Trung ương, ông Nguyễn thiện là nhân viên đánh máy văn phòng Trung ương, cơ quan lúc đó có khoảng 20 người, đồng chí Hồ viết Thắng uỷ viên Trung ương Đảng là Trưởng ban Tiểu ban Nông vận, phó ban là đồng chí Trần Đào, Nguyễn Hữu Thái. Bộ phận hành chính gồm đồng chí Đức đánh máy, đồng chí Tuấn in Li tô, đồng chí Dương, ông Trọng làm cấp dưỡng, cán bộ chuyên môn có đồng chí Trần Đức Thịnh, Phạm Khắc Soạn, Trương Hoàng Hà, Lê Du, Trịnh Trương, Nguyễn Hữu Đàm, Nguyễn Thanh Phong. Anh em trong cơ quan thường xuyên thay nhau đi cơ sở nắm tình hình của các liên khu, tỉnh, chỉ đạo, vận động phong trào thi đua yêu nước. Nông dân tuyên truyền đóng thuế nông nghiệp… chính sách giảm tô, giảm thuế tiến tới chuẩn bị cải cách ruộng đất, Trung ương Đảng tăng cường cho hội một số đồng chí ở miền Nam ra:Nguyễn Đại, Dân Tôn Tử, Khu V có đồng chí Nguyễn Văn, Khu III có đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng…

   Vào năm 1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc với Tiểu ban Nông vận Trung ương và Hội Nông dân cứu quốc Việt Nam.

   Về nhiệm vụ của Tiểu ban Nông vận Trung ương là xây dựng các Hội Nông dân Cứu Quốc, truyền đạt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động giảm tô, giảm tức, cấp ruộng đất cho nông dân, tăng gia sản xuất chống đói, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, xoá nạn mù chữ, tập huấn quân sự tại các vùng tự do.

  Tiểu ban Nông vận Trung ương và Hội Nông dân Cứu Quốc Việt Nam tuyên truyền phát động quần chúng thực hiện chính sách mới, thành lập đội công tác đến các tỉnh, mở cuộc vận động giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất… góp phần tạo ra động lực và đem lại quyền lợi thiết thực cho nông dân nhiều vùng tự do nỗ lực thi đua kháng chiến kiến quốc.

   Trong thư gửi Hội nghị Chủ tịch Hồ chí minh đánh giá cao vị trí, vai trò và tiềm lực lớn lao của giai cấp nông dân cả nước trong đấu tranh giành chính quyền và sự nghiệp kháng chiến. Các đại biểu Hội nghị nhất trí thành lập Hội Nông dân Cứu Quốc Trung ương (sau đổi Ban liên lạc nông dân toàn quốc) và bầu ra Ban chấp hành lâm thời Hội gồm các đồng chí Hồ Viết Thắng (Trưởng ban), Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Mạnh Hồng, các đồng chí Đài, Di, Thường, Hùng.

   Được sự đồng ý của Trung ương sau khi làm công tác chuẩn bị, Ban liên lạc nông dân toàn quốc quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ hai (tháng 3 năm 1951) tại thôn Quắc, xã bình Nhân, huyện Chiêm Hoá, hơn 100 đại biểu về dự, hội nghị đánh giá phong trào nông dân, hoạt động của tổ chức hội và quán triệt nhiệm vụ Hội nông dân trước yêu cầu, nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng. Tổng bí thư trường Chinh đến dự và phát biểu về tuyên ngôn và chính cương của Đảng, chủ trương của Đảng đối với nông dân và chính sách ruộng đất.

  Địa điểm di tích được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dựng nhà bia ghi dấu sự kiện nơi làm việc của Tiểu ban Nông vận Trung ương và Hội Nông dân cứu quốc Việt Nam, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.

Theo BQL ATK

Tin liên quan