Nhớ mãi Ngày sinh Bác Hồ

21/05/2018

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất là người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập, tự do. Đó không phải chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường mà còn là một sự nghiệp văn hóa cao cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất vì Người nhận thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất vì bản thân Người là một nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa lớn. Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Hơn thế nữa, tấm gương đạo đức ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà còn là một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất, đạo đức của người cách mạng, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Cần kiệm, giản dị, ít lòng ham muốn về vật chất, đó là tư cách của người cách mạng. Người đề ra và tự mình gương mẫu thực hiện. Đó là một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính, một tấm gương không ngừng học tập và rèn luyện, không ngừng tự đổi mới. Bởi vậy, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức cao cả của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta”.

           Là lãnh tụ tối cao nhưng Bác Hồ không tỏ ra quan dân lễ cách, không có sự phân biệt giữa lãnh tụ với dân thường. Hằng năm, cứ đến dịp Ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Ở Hà Nội, đúng ngày 19-5, Người thường tìm cách đi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém. Vào dịp đó, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng chí, đồng bào, các cơ quan, đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết nhân Ngày sinh của mình, và có những lần Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ. Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ của Bác Hồ, tuy nói về Ngày sinh của Người, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm đối với non sông đất nước và đồng bào, là nguyên tắc sống của Bác: “Trung với Đảng, hiếu với dân”, và là đường lối lãnh đạo của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ở từng thời điểm lịch sử.

           Để giúp bạn đọc hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của ngày kỷ niệm 19/5 – Ngày sinh của Bác Hồ, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số bức thư, điện, bài thơ cảm ơn nhân dân nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác và một số chuyện kể về Ngày sinh của Người trong cuốn sách “Nhớ mãi Ngày sinh Bác Hồ” của tác giả TS. Trần Viết Hoàn biên soạn.

Phần 1

KỶ NIỆM LẦN ĐẦU TIÊN NGÀY SINH BÁC HỒ (1946)

           Sáng 19-5-1946, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn năm mươi đại biểu Nam Bộ đến chúc mừng Bác nhân Ngày sinh của Bác. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây nhớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”.

           Đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác Hồ nói:

           “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi có 56 chưa đáng tuổi được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào biết đến Ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là việc lớn, không ai có thể một mình làm nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau, các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cường thịnh hơn.

           Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”1 .

           Cũng chính ngày 19-5-1946, lực lượng thanh niên Thủ đô đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ. Việc đó làm cho các đại biểu Đồng minh thấy rõ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ có ý nghĩa lịch sử và tình cảm biết bao!

           Ngày 25-5-1946, Bác Hồ gửi Thư cảm ơn đồng bào và các cơ quan, đoàn thể trong nước và nước ngoài đã chúc mừng Ngày sinh của Người:

           “Tôi trân trọng cảm ơn:

           Quốc hội, Chính phủ, các đảng, các đoàn thể, đồng bào Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, đồng bào Công giáo, Phật giáo, Tin lành, các cháu thanh niên và nhi đồng.

           Cảm ơn các bạn hữu Tàu, Pháp, Mỹ, Anh đã tỏ lòng quá yêu tôi và chúc mừng Ngày sinh nhật tôi.

           Nhân dịp này, tôi xin hứa với đồng bào rằng từ đây về sau, cũng như từ đây về trước, tôi sẽ ra sức phấn đấu để giữ gìn quyền tự chủ của nước nhà, quyền tự do của dân tộc, quyền dân chủ của đồng bào. Tôi xin hứa với bạn hữu các nước rằng tôi sẽ dùng tinh thần lực lượng nhỏ mọn của tôi để giúp vào xây đắp mối thân thiện giữa các dân tộc.

                             HỒ CHÍ MINH”2

NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1947

           Ngày 19-5-1947, chào mừng Ngày sinh của Bác Hồ, các đồng chí phục vụ chuẩn bị sẵn một bó hoa rừng đến chúc thọ Bác. Bác rất xúc động và đề nghị dành những bông hoa đó đi viếng mộ đồng chí Lộc (người mà Bác quen biết hồi hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc, sau đó theo Bác về nước tham gia kháng chiến và được phân công lo việc ăn uống cho Bác) vừa mới mất trước đó ít ngày vì bệnh sốt rét.

           Cùng ngày, Người rời Sơn Dương (Tuyên Quang) chuyển đến địa điểm mới.

           Ngày 20-5-1947, Bác đến ở và làm việc tại thôn Điền Mạc, xã Thanh Định, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.

NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1948

           Ngày 19-5-1948, Bác Hồ viết Thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã chúc thọ Người nhân Ngày sinh:

           “Tôi rất cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể, các bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở ngoài nước, cùng các cháu nhi đồng, đã chúc thọ tôi một cách vô cùng thân ái.

           Nhưng tôi thiết nghĩ rằng tuy tuổi tác chúng ta có kẻ nhiều người ít, nhưng tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ngày ấy là ngày cách mệnh giải phóng thành công hồi tháng Tám năm 1945.

           Xem thế thì dân tộc ta rất trẻ trung, nước nhà ta rất trẻ trung và chúng ta đều trẻ trung. Chúng ta trẻ trung mà chúng ta phải đảm đang hai nhiệm vụ rất vẻ vang, rất to lớn: Phá tan những xiềng xích cũ và xây dựng những tương lai mới.

           Chúng ta trẻ trung nhưng chúng ta là những người thừa tự cái truyền thống oanh liệt, quật cường và một cơ đồ gấm vóc của mấy ngàn năm tổ tiên ta để lại. Chúng ta trẻ trung nhưng chúng ta giàu về kinh nghiệm, kinh nghiệm đau xót có, kinh nghiệm vẻ vang có. Do đó mà chúng ta đã có một lực lượng cực kỳ to lớn, vững chắc, lực lượng đại đoàn kết của toàn dân. Nhờ truyền thống và lực lượng ấy, thêm vào cái chí khí trẻ trung của chúng ta, chúng ta đã vượt qua nhiều bước gian nan và tranh được nhiều thắng lợi: Chúng ta đã đánh tan giặc đói, chúng ta đã đánh tan giặc dốt, chúng ta sẽ đánh tan giặc ngoại xâm.

           Song, đường chúng ta còn dài, gánh chúng ta còn nặng, chúng ta cần phải phát triển và nâng cao cái truyền thống oanh liệt, cái lực lượng đoàn kết, và cái chí khí kiên quyết ấy lên nữa, nâng cao lên mãi. Nâng cao bằng cách gì? Bằng cách thi đua ái quốc. Cuộc thi đua ái quốc sẽ đưa chúng ta lên một trình độ cao hơn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, nó sẽ đưa chúng ta mau đến chỗ thành công. Vì vậy đồng bào ta bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, mọi người đều phải đưa trí sáng suốt, lực lượng và tài năng của mình vào đó, để phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc. Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do.

           Chào thân ái và quyết thắng.

            HỒ CHÍ MINH”3

            Trong cuốn sách Bác Hồ viết Di chúc, đồng chí Vũ Kỳ có kể: “Nhớ lại ngày 19 tháng 5 năm 1948, giữa rừng Việt Bắc cách đây gần 20 năm. Hôm đó, tôi có mời một số đồng chí đến ăn cơm với Bác, nhưng vì bận công tác đột xuất nên không ai đến được. Nghĩ Ngày sinh nhật mà Bác phải ngồi ăn cơm một mình, tôi đánh bạo thưa với Bác: – Thưa Bác! Hôm nay cho phép cháu được ăn cơm với Bác. Bác nheo nheo cặp mắt hiền từ nhìn tôi, rồi tủm tỉm cười: – Chú tự mời thì chú cứ đến”4.

NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1949

           Trước ngày 19-5-1949, Bác Hồ viết bài thơ Không đề, trả lời ý kiến của một số cán bộ đề nghị tổ chức mừng Ngày sinh của Người. Bài thơ như sau:

“KHÔNG ĐỀ

Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.

Chờ cho kháng chiến thành công đã,

Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.

Năm 1949”5

           Trong dịp sinh nhật của mình, Bác Hồ đã gửi Lời cảm ơn nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59:

           “Cũng như mọi năm, năm nay các vị đại biểu Quốc hội và đồng sự trong Chính phủ,

           Đồng bào các nơi,

           Các cơ quan, đoàn thể và bộ đội,

           Kiều bào ở nước ngoài và đồng bào những vùng tạm bị địch chiếm,

           Các cháu thanh niên và nhi đồng,

hoặc thân hành đến, hoặc gửi quà, gửi thư, gửi điện chúc thọ tôi. Tôi rất cảm động và biết ơn.

           Song khác với mọi năm, năm nay tôi đã định không kỷ niệm Ngày sinh nhật của tôi. Vì tôi mong rằng từ ngày 19-5 năm nay, toàn thể đồng bào và toàn thể chiến sỹ sẽ ra sức Thi đua ái quốc hơn nữa, để đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị đầy đủ tổng phản công.

           Năm sau, đến ngày toàn quốc ăn mừng hoàn toàn thắng lợi, trong cuộc kỷ niệm to ấy, tôi sẽ vui vẻ tiếp đồng bào và chiến sỹ, kèm thêm một kỷ niệm nhỏ là Ngày sinh nhật của tôi.

           Chào thân ái và quyết thắng.

HỒ CHÍ MINH”6

KỶ NIỆM LẦN THỨ 60 NGÀY SINH BÁC HỒ (1950)

           Đầu tháng 5-1950, nghe tin Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề nghị tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 60 của mình, Bác Hồ từ chối việc này bằng cách đọc lại bài thơ Bác làm trong dịp Bác 59 tuổi. Tuy Bác đã khước từ, nhưng trong một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng (Tuyên Quang), nhân sắp đến ngày 19-5-1950, mọi người chúc thọ Bác. Bác cảm ơn đáp lại bằng bài thơ:

“Sáu mươi tuổi hãy còn Xuân chán,

So với ông Bành vẫn thiếu niên.

Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,

Trần mà như thế kém gì tiên! Năm 1950”7.

           Ngày 19-5-1950, Bác Hồ tham dự lễ chúc thọ mừng Người tròn 60 tuổi do Chính phủ tổ chức tại Chủ tịch phủ trong An toàn khu Việt Bắc.

           Ngày 20-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn Chủ tịch Mao Trạch Đông, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Trung Quốc và Hội Liên hiệp sinh viên Trung Quốc về những lời chúc mừng nhân kỷ niệm lần thứ 60 Ngày sinh của Người.

           Nhân Ngày sinh của Bác, Bác gửi Thư cảm ơn:

           “Tôi trân trọng cảm ơn:

           Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể, các chiến sỹ, các cán bộ,

           Đồng bào trong nước, ngoài nước và trong vùng tạm bị địch chiếm.

           Tôi riêng cảm ơn các cụ phụ lão và các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng, đã gửi thư, gửi điện, gửi quà chúc thọ tôi.

           Tôi rất sung sướng vì lòng yêu mến của đồng bào. Tôi rất vui mừng vì những món quà của bộ đội đều là chiến lợi phẩm; những món quà của đồng bào đều tự tay đồng bào làm ra trong cuộc thi đua tăng gia sản xuất.

           Tôi rất hài lòng, vì phần rất lớn trong các thư, các điện đều báo cáo thành tích trong cuộc thi đua ái quốc cũ, và hứa hẹn trong các cuộc thi đua ái quốc mới.

           Vì lòng quá cảm động, tôi không biết nói gì với chiến sỹ và đồng bào trong dịp này. Tôi chỉ nhắc lại rằng:

           Trong thời kỳ ta đang chuẩn bị để tiến mạnh sang tổng phản công, ta đã tranh được một thắng lợi chính trị rất to: Trung Quốc, Xô Liên và các nước dân chủ mới đã thừa nhận ta. Thế là trong lịch sử, địa vị nước ta trên trường quốc tế chưa bao giờ vẻ vang như bây giờ.

           800 triệu bầu bạn đang nhìn vào chúng ta, đang mong chờ chúng ta thắng lợi, và chắc chúng ta sẽ thắng lợi. Vì vậy, tôi mong rằng toàn thể chiến sỹ, toàn thể đồng bào, mọi người đều giữ lời đã hứa với tôi, tức là mỗi người đều ra sức thi đua thực hiện chương trình Tổng động viên của Chính phủ, mọi người đều nhằm vào một mục đích chung là: Tất cả để chiến thắng.

           Về phần tôi, tôi xin báo cáo với chiến sỹ và đồng bào rằng: 60 tuổi cũng còn thanh niên chán. Tôi vẫn đủ tinh thần và sức khỏe để cùng chiến sỹ và đồng bào đánh đuổi giặc Pháp, tranh lại độc lập và thống nhất thực sự cho Tổ quốc, hợp sức với các nước bạn để giữ gìn dân chủ và thế giới hòa bình.

           Chào thân ái và quyết thắng.

HỒ CHÍ MINH”8

NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1951

            Ngày 19-5-1951 Bác Hồ tiếp đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận… đến chúc thọ Bác Nhân ngày sinh của Người. Nói chuyện với các đại biểu, Bác chỉ rõ: Khả năng của nhân dân rất nhiều, nhưng cán bộ phải biết giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách của Chính phủ, của đoàn thể. Nhân dân hiểu rõ sẽ nô nức phục vụ và việc gì cũng sẽ làm được.

           Ngày 20-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Lời cảm ơn đồng bào:

           “Tôi trân trọng cảm ơn:

           Quốc hội và Chính phủ,

           Đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài,

           Các bộ đội và các cơ quan,

           Các đoàn thể nhân dân, các bà mẹ chiến sỹ và các anh em thương binh,

           Các cháu thanh niên và nhi đồng.

           Tôi cũng cảm ơn:

           Bà con Hoa kiều và các nhân sỹ bạn ngoại quốc đã gửi quà, thư, điện, chúc thọ tôi. Làm cho tôi vui lòng nhất là đại đa số thư và điện đồng bào gửi đến đều báo cáo kết quả thiết thực trong đợt thi đua vừa qua, và hứa hẹn cố gắng trong đợt thi đua đang tiến.

           Tuổi tuy hơi già, nhưng vì nước ta trẻ, dân ta trẻ, cho nên tinh thần và lực lượng tôi vẫn trẻ. Để báo đáp lòng yêu mến của đồng bào, tôi xin hứa rằng: Với sự giúp đỡ của Quốc hội và Chính phủ, với sự đôn đốc và ủng hộ của toàn dân, với chí kiên quyết thi hành mệnh lệnh của cán bộ và bộ đội, tôi quyết đưa cả tinh thần và lực lượng để phụng sự Tổ quốc và hướng dẫn đồng bào cùng bộ đội đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Và góp phần vào sự nghiệp giữ gìn dân chủ, hòa bình thế giới. Chào thân ái và quyết thắng.

           Ngày 20 tháng 5 năm 1951.

Theo: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tin liên quan