Di tích nơi thành lập Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng (Ban kiểm tra trung ương)

05/09/2024

Di tích Nơi thành lập Ủy ban kiểm tra Trung ương, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Nhà nước đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa được bao lâu thì thực dân Pháp bội ước trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, trước tình hình đó Đảng ta đã nhận định “không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh ta và ta nhất định sẽ đánh Pháp”. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng “ Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc”.

Thực hiện đường lối kháng chiến: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ đã di chuyển lên Việt Bắc và chọn xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa đóng trụ sở các cơ quan Trung ương. Như vậy, từ mùa xuân 1947 xã Điềm Mặc, đã trở thành An Toàn Khu (ATK) của Trung ương trong căn cứ địa Việt Bắc, nhằm đảm bảo, an toàn cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, làm việc mà ít phải di chuyển. Trong những ngày đầu khi mới thiên đô lên ATK Định Hóa, Bác đã rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng, Người trực tiếp kiểm tra tình hình hoạt động của đảng bộ, chính quyền một số địa phương, Bác yêu cầu, phải tăng cường công tác kiểm tra để uốn nắn, sửa chữa kịp thời những thiếu sót trong đảng, Người nói: “Muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Điều lệ đảng tháng 10/1930 ghi rõ: “Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của đảng rất nghiêm khắc.



Ngày nay, hành hương về di tích Quốc gia đặc biệt An Toàn Khu (ATK) Định Hóa, quý khách sẽ được đến thăm địa điểm di tích thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng ở đồi Pụ Miếu, xóm Đồng Vinh, xã Điềm Mặc nơi gắn với tên tuổi và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng Ban đầu tiên của ngành kiểm tra Đảng.

 Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự phát triển của tổ chức Đảng, công tác kiểm tra cần được tăng cường, ngày 16.10.1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương do Tổng Bí thư Trường Chinh ký tên Thận, Quyết nghị có đoạn ghi: "...Trung ương quyết định thành lập Ban kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng...". Lãnh đạo Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ; đồng chí Hà Xuân Mỹ (tức Hà Minh Quốc) Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban.

 Trong những ngày làm việc tại đồi Pụ Miều xã Điềm Mặc, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng vợ và con gái ở nhà sàn gia đình ông Mông Chí Bằng ở và làm việc, đợi làm xong trụ sở trên đồi Pụ Miếu mới chuyển ra, các đồng chí khác cũng ở nhờ nhà dân, bà con nơi đây đã nhường nhà, che trở cho cán bộ Trung ương ở và làm việc.

 Trưởng ban và các cán bộ ở và làm việc tại một nhà dài trên 20m, chia thành 7, 8 gian. Còn một số nhà lán 1, 2 gian cùng với văn thư, hành chính, hậu cần thực hiện theo phương thức phái viên là chính.

 Tại trụ sở đầu tiên của Ban kiểm tra Trung ương tại Pụ Miếu, xóm Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, đã tổ chức, triển khai, thực hiện công tác kiểm tra Đảng, thanh tra nhà nước và quân đội, như:

 Vụ gián điệp H122 ở Quân khu Việt Bắc;

 Vụ hóa chất Miền Nam ở Liên khu V;

 Việc thuyết phục giám mục Lê Hữu Từ ở Bùi Chu, Nam Định; Vua mèo Vương Chí Sình ở Hà Giang ủng hộ Chính phủ kháng chiến.

 Trưởng ban Trần Đăng Ninh còn chỉ đạo cán bộ thực hiện:

 Kiểm tra việc chấp hành nghị quyết chỉ thị của Đảng, nhà nước về chỉ đạo chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến, chống tham ô, lãnh phí…

 Kiểm tra nội bộ cơ quan “hoa kiều vụ” ở ATK Định Hóa

 Cùng ban bảo vệ quân đội giải quyết vụ án Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục quân nhu Bộ quốc phòng

  Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII đồng ý lấy ngày 16.10.1948 là Ngày truyền thống của Ngành Kiểm tra Đảng. Từ khi ra đời đến nay, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Vào độ cuối tháng 10, 11/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc với Ban Kiểm tra Trung ương, Người hỏi thăm sức khỏe của cán bộ, và về công tác kiểm tra, thanh tra bước đầu giúp trung ương Đảng, Chính phủ củng cố lòng tin của nhân dân, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, củng cố thêm mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương..


 Đồi Pụ Miếu hiện nay, vẫn còn đó cây gội cổ thụ, vòng thân 3 người ôm, với 4 nhánh lên xanh là vật chuẩn, ghi dấu nơi ở và làm việc của Ủy ban kiểm tra Trung ương trong những năm kháng chiến chống Pháp tại ATK Định Hóa, với ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, di tích đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia số 09/2007/QĐ-BVHTTDL, ngày 17/9/2007.



 Trải qua hơn 70 năm thành lập Ủy ban kiểm tra Trung ương công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do của tổ quốc.


Tin liên quan