Địa điểm thành lập Hội nhà Báo Việt Nam

13/09/2024

   Địa điểm di tích Nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta vừa giành được độc lập, thực dân Pháp lại bội ước quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trước yêu cầu xây dựng căn cứ địa chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Trung ương Đảng, Chính phủ đã quyết định thành lập đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách. Sau một thời gian khảo sát kỹ lưỡng tình hình mọi mặt, đội công tác đã chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên); Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn) làm căn cứ địa, trong đó, Định Hóa được chọn là một trong những trung tâm của căn cứ địa bởi hội tụ hai nhân tố "địa lợi và nhân hòa".

 Các quyết sách lớn của Trung ương Đảng, Chính Phủ phần lớn đều quyết định trên đất Định Hóa, như: Hạ quyết tâm tiêu diệt địch tấn công lên Việt Bắc (1947), Quyết định triển khai Đại đội Độc lập, Tiểu đoàn Tập trung trên toàn quốc; quyết định biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta (1948-1949); hạ quyết tâm mở Chiến dịch Biên giới (1950), chiến dịch Hoàng Hoa Thám...Chiến cuộc Đông xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên phủ.

 Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 8 đồng chí giúp việc đã về ở và làm việc đầu tiên tại đồi Khau Tý, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng, Hoàng quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng đã lần lượt lên ATK Định Hóa để đặt bản doanh lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

 Trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa có một điểm đến về nguồn của các thế hệ nhà báo Việt Nam, đó là nơi thành lập Hội nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Như chúng ta biết Bác là người sáng lập ra tờ báo Cách mạng đầu tiên, tờ Le Paria (Người cùng khổ), với chủ bút là Nguyễn Ái Quốc, ra số 1 vào ngày 1/2/1922 tại Pari, thủ đô hoa lệ của cộng hòa Pháp.

Ngày 21/6/1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, tổ chức tiền thân của Đảng, tuyên truyền đường lối cách mạng theo chủ nghĩa Mác – Lenin nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc. Tờ báo tạo tiền đề đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam. Tiếp đến nhiều tờ báo lần lượt ra đời như: tờ Thân Ái, Búa Liềm, Lao Động; Tranh đấu của Trung ương Đảng.

Đến tháng 6/1936 có 120 tờ báo của Đảng xuất bản bí mật và công khai, góp phần to lớn đến chuyển biến chính trị của nhân dân. Báo chí cách mạng trở thành vũ khí sắc bén vạch mặt tội ác áp bức bóc lột, sưu cao, thuế nặng của bộ máy cai trị thực dân Pháp, tiêu biểu như các tờ báo:

- Tờ Dân chúng, xuất bản năm 1938 do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng biên tập.

- Tờ Việt Nam độc lập do Hồ Chí Minh sáng lập thời kỳ 1941 – 1945.

- Tờ Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh, ra đời năm 1942.

         - Đặc biệt, báo Cờ giải phóng do đồng chí Trường Chinh Tổng biên tập năm 1942 – 1945 rồi được thay bằng tờ Sự Thật, tiền thân của báo Nhân Dân ngày nay.

Đầu năm 1947, tại ATK Định Hóa, Đoàn Báo chí kháng chiến được thành lập, bao gồm tất cả các nhà báo trong mặt trận Việt Minh do đồng chí Xuân Thủy, Thường trực kiêm Chủ nhiệm báo Cứu Quốc phụ trách. Tại đây đồng chí Xuân Thủy tổ chức Ban chấp hành lâm thời của hội những người viết báo Việt Nam gồm 15 nhà báo. Năm 1949 theo sáng kiến của Bác, Tổng Bộ Việt Minh đã mở lớp viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng tại xóm Bờ Rạ (4 – 7/ 1949).

Vào đầu buổi chiều ngày 21/4/1950, đại diện các báo của Đảng, Mặt trận và báo của các đoàn thể, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam họp tại Hội trường 8 mái xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc huyện Định Hóa.

Đồng chí Xuân Thủy được Trung ương Đảng giao chủ tọa hội nghị. Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu đã thấy rằng tên cũ Đoàn Báo chí kháng chiến không thể hiện được đầy đủ tính đoàn kết rộng rãi của giới báo chí nước ta, khi đó hoạt động cả ở vùng tự do lẫn vùng địch tạm chiếm. Hội còn có nhiệm vụ lâu dài, kiến thiết đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi.

Hội nghị quyết định thành lập và lấy tên là Hội những người viết báo Việt Nam, tức Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay. Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành hội gồm 10 nhà báo: Đồng chí Xuân Thủy được bầu làm Hội trưởng; hai Phó Hội trưởng là đồng chí Đỗ Đức Dục – Báo Độc Lập và đồng chí Hoàng Tùng – Tạp chí Sinh hoạt nội bộ. Tổng thư ký là đồng chí Nguyễn Thành Lê, báo Cứu Quốc, Phó Tổng thư ký là đồng chí Phạm Văn Hải cùng nhiều đồng chí khác là ủy viên.

Hội những người viết báo Việt Nam ra đời với mục đích là góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân, bằng nghề nghiệp của mình, bênh vực quyền lợi của những người viết báo.

Ngày 21/4/1950 đã trở thành ngày truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội nghị thành lập được xác định là Đại hội lần thứ nhất và lấy đó làm mốc tổ chức các kỳ Đại hội tiếp theo.

Sau khi thành lập hội có 300 hội viên sinh hoạt ở các liên khu. Hàng tháng thường tổ chức các cuộc thảo luận sôi nổi tại trụ sở báo Cứu Quốc ở Điềm Mặc, xoay quanh các vấn đề quan điểm báo chí tư sản và vô sản, tính quần chúng và tính chân thật của báo, cách viết tin và sử dụng nguồn tin…

Các nhà báo dùng ngòi bút, sóng phát thanh, ống kính máy quay làm vũ khí và cầm súng chiến đấu, không ít người đã hy sinh trong khi làm báo ngoài mặt trận.

Vào đầu năm 1950, Hội trường tám mái của Tổng Bộ Việt Minh được làm bằng cột gỗ, tre, vầu, nứa. Hội trường có diện tích 90 m2, bàn ghế làm bằng cây vầu, chân ghế chôn cố định. Hội trường có 4 mái trên, 4 mái dưới lợp bằng lá cọ. Đây là nơi tập trung họp hành, đại hội của báo Cứu Quốc, Hội Nông dân, Ủy ban Hòa bình thến giới.

Đã hơn 60 năm trôi qua (1950 - 2017), từ một số tờ báo bí mật, phát hành hạn chế trước cách mạng tháng 8/1945, đến nay trên toàn quốc có trên 700 cơ quan báo chí, 11 nghìn báo chí chuyên nghiệp, các trương trình phát thanh truyền hình thông tin trên mạng đã đưa tiếng nói và hình ảnh Việt Nam vươn ra khắp thế giới

Trải qua 10 kỳ Đại hội, Hội nhà báo Việt Nam có hơn 22.000 hội viên, đội ngũ báo chí phát triển nhanh chóng lớn mạnh cùng đất nước. Báo chí cách mạng đã thực sự xứng đáng là vũ khí tinh thần, vũ khí chính trị sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng CNXH hiện nay.

Ngày 21/ 6/ 1925 ra đời báo " Thanh niên" đã được Đảng và nhà nước chọn là ngày báo chí Việt Nam.

  Địa điểm nơi thành lập Hội nhà báo Việt Nam đã được Bác tới thăm và làm việc. Người căn dặn “ nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút và trang giấy là vũ khí của họ”.

 Đây là nơi hội tụ, kết tinh tư tưởng, quan điểm về báo chí cách mạng Việt Nam mà Bác là người đã khai sinh và là người thầy mẫu mực của các nhà báo.

Địa điểm nơi thành lập Hội nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã được tôn tạo, nơi đây đánh dấu sự ra đời, không ngừng lớn mạnh suốt hơn nửa thế kỷ của báo chí cách mạng Việt Nam.

 Di tích đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 74/2004/QĐ- BVHTT ngày 23/8/2004.

Tin liên quan