Nơi thành lập Việt Nam giải phóng quân

05/09/2024

Địa điểm Di tích lịch sử nơi thành lập Việt Nam giải phóng quân thuộc Làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Xã Định Biên có tên là Định Biên Thượng, đến năm 1949 khi tách thôn Bảo Linh ra thành lập xã Bảo Linh, Định Biên Thượng được đổi thành Bình Trung. Năm 1965 lại đổi tên thành xã Định Biên cho tới nay.Làng Quặng thuộc xã Định Biên (Định Hoá) gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng. Trước Cách mạng Tháng 8/1945, đình làng Quặng là chỗ đi lại, họp hành của các cán bộ Việt Minh. Vào ngày 24/4/1945, sau khi Định Hoá đã thành lập chính quyền cách mạng, tại Đình làng Quặng Tổng bộ Việt Minh cùng các cán bộ chỉ huy Cứu quốc quân tổ chức một lớp quân chính kháng Nhật dành cho cán bộ địa phương do đồng chí Lê Giản phụ trách, lớp đào tạo được một khoá 40 ngày với gần 130 học viên. Bãi Thàn Mát trước Cách mạng Tháng 8/1945 có một lớp học Hương sư (Trường làng), trong những ngày thành lập Việt Nam giải phóng quân (15/5/1945), lớp học này trở thành nơi gặp gỡ và nghỉ ngơi của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác của Đảng.

         Từ ngày 5-12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và Hành động của chúng ta”nêu rõ: “Thống nhất các chiến khu, thành lập Việt Nam giải phóng quân”. Từ ngày 15-20/4/1945, tại Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, quyết định thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang cách mạng thành Việt Nam giải phóng quân.

         Sáng ngày 15/5/1945, buổi lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân được tiến hành trên thửa ruộng Nà Nhậu trước ngôi Đình làng Quặng, hai đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân cùng các lực lượng vũ trang khác của Đảng, trên 300 người hàng ngũ chỉnh tề xếp hàng dọc phía trước, hai bên là đại biểu đại diện cho các đoàn thể địa phương và bà con dân làng (cả các vùng lân cận). Phía trước đoàn quân là 3 đồng chí xếp hàng ngang - đồng chí đứng giữa cầm Quốc kỳ, hai đồng chí bồng súng hai bên. Trước hàng danh dự là khẩu súng đại liên ba càng,hai bên cánh gà hai đồng chí đeo súng bảo vệ. Vào lúc 10h, sáng đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) cùng các đồng chí chỉ huy từ ngôi Đình đi xuống,sau khi chào cờ, hát tiến quân ca, mặc niệm các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, đồng chí Hoàng Sâm thay mặt Ban tổ chức giới thiệu đồng chí Văn thay mặt Đoàn thể Việt Minh và Uỷ ban quân sự Bắc Kỳ, lên làm lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân.

         Đồng chí Văn quần nâu, áo bạc sờn vì sương gió trong tư thế trang nghiêm, dõng dạc tuyên bố sát nhập “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, “Cứu quốc quân” và các lực lượng vũ trang khác của Đảng thành lập Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng ban đầu gồm 13 đại đội (thống nhất từ các đại đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trung đội cứu quốc quân và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh, huyện) căn dặn bộ đội thực hiện 10 lời thề danh dự và 12 điều kỷ luật, tuyên thệ dưới lá cờ tổ quốc và hô khẩu hiệu quyết tâm đánh giặc, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Buổi lễ diễn ra trong 45 phút, tác phong nhanh gọn, sau buổi lễ các đồng chí cán bộ chỉ huy trở về ngôi Đình họp bàn và tại đây Bộ Tư lệnh giải phóng đã được thành lập gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh.

         Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vào tháng 3/1948, lớp học Hương sư là nơi Đảng ta đã tổ chức trường huấn luỵên chính trị sơ cấp cho cán bộ, thời gian ba tháng, gần 40 học viên do đồng chí Tôn Đức Thắng làm giám đốc. Các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt cũng đến lớp giảng bài. Đến tháng 6/1948 trường chuyển xuống làng Luông, xã Bình Thành, và trở thành trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

         Làng Quặng ghi dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, đó là nơi ra đời đội quân chủ lực đầu tiên của Đảng ta trong thời kỳ tiền khởi nghĩa –tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 bảo vệ chính quyền cách mạng mới thành lập, bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ trong sự vây riết của thực dân Pháp và các nước đế quốc.

         Di tích lịch sử Làng Quặng ở vào vị trí cao ráo, thoáng đãng với hai cây đa cổ thụ nhìn ra cánh đồng Làng Quặng, Sông Chu vòng quanh và phía trước như bức tường thành tự nhiên. Hai bên có những quả đồi nhỏ nhấp nhô bảo vệ, phía sau là rừng rậm có thể ẩn náu kín đáo. Phía Tây Nam là dải núi Hồng hùng vĩ chạy theo hình cánh cung Bắc Nam tạo thành một lá chắn khổng lồ, vững chắc, ở đó từng là căn cứ địa của Cứu quốc quân từ những năm 1943-1945.

Sở Văn hoá, Thông tin tỉnh Thái Nguyên đã phục dựng lại Đình làng Quặng và dựng bia ghi dấu sự kiện lịch sử, xây dựng nhà bia di tích cạnh rừng Thàn Mát.

         Bãi Thàn Mát hiện còn 800m2, với 14 cây ở ngã ba đường làng, toàn bộ khu rừng Thàn Mát năm xưa đã trở thành làng. Di tích lịch sử, Nơi thành lập Việt Nam giải phóng quân ở xã Định Biên, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên được Bộ Văn hoá, Thể thao xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia tại Quyết định số 1034/QĐ - BVHTT, ngày 12/8/1993, hiện do Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hoá quản lý, phối hợp với UBND xã Định Biên quản lý di tích trông coi di tích, phục vụ sinh hoạt văn hoá của nhân dân trong vùng là một điểm đến của khách du lịch vùng ATK Việt Bắc.

         Sự kiện thành lập Việt Nam giải phóng quân thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu của cách mạng, chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đánh dấu sự trrưởng thành vượt bậc, từ Cứu quốc quân I đến Cứu quốc quân II rồi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cùng Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác thống nhất thành đội quân chủ lực nòng cốt cho tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 giành thắng lợi.

Sự ra đời của Việt Nam giải phóng quân đánh dấu sự biến đổi sâu sắc cả về chất và lượng của lực lượng vũ trang ta, từ đây có thể rút ra những bài học bổ ích trong việc tổ chức và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại.

Tin liên quan