Địa điểm di tích Đồi Thẩm Khen - nơi ở, làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1949-1954)

13/09/2024

Địa điểm di tích Đồi Thẩm Khen - nơi ở, làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1949-1954), xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

         Trước khi rời Tân Trào về Hà Nội (cuối tháng 8/1945), Chủ tịch Ủy ban giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh căn dặn các đồng chí Trần Thị Minh Châu, Nguyễn Văn Lý (Hoàng Hữu Kháng), Song Hào, Phạm Văn Đồng… ở lại xây dựng khu căn cứ: “Biết đâu chúng ta còn quay trở lại nhờ cậy đồng bào lần nữa”

         Đồng chí Phạm Văn Đồng (bí danh là Tô) sinh ngày 01/03/1906 trong một gia đình công chức tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, (Quảng Ngãi). Năm 1926 ông bí mật sang Quảng Châu (Trung Quốc) học lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và tham gia “Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội” rồi trở về nước hoạt động. Tháng 7/1929, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Tháng 7/1936, nhờ thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, ông được trả tự do.

         Tháng 5/1940, Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương; Đầu năm 1942, Phạm Văn Đồng về Pác Bó (Cao Bằng) cùng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh xây dựng khu an toàn (ATK); phụ trách báo Việt Nam Độc Lập…Sau ngày Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng; Tháng 5/1946, làm trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đàm phán với Chính phủ Pháp tại Hội nghị Phôngtennơblô.

         Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (9/11/1946) bầu Ban Thường trực Quốc hội có 18 vị, cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban Phạm Văn Đồng…Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), Tạm ước (14/9/1946) cố cứu vãn hòa bình, tranh thủ thời gian, chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Trước hành động mở rộng chiến tranh xâm lược của giặc Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Phạm Văn Đồng được biệt phái làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng, Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ và Bắc Lào. Năm 1947, Phạm Văn Đồng được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng (Ủy viên chính năm 1949).

Ngày 25/7/1949, từ ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng cử Phạm Văn Đồng giữ chức Phó Thủ tướng chính phủ. Ông rời miền Trung ra Văn phòng phủ Thủ tướng qua Thác Dẫng (Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang), qua Đèo De sang Văn phòng ở đồi Thẩm Khen, xóm Phú Hà, xã Lục Giã (nay là xã Phú Đình), cách Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tỉn Keo khoảng 2km, cách Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng ở Nà Mòn 1,5km, từ đây có đường ngựa đi vượt Đèo De 10km sang Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang.

Bà con dân tộc Tày, Nùng vẫn nhớ “anh Tô” “bát cơm xẻ nửa, chăn Sui đắp cùng” dáng cao mảnh khảnh, đi bộ qua lại đèo De, Núi Hồng, anh Phan Mỹ thật gần gũi. Giúp việc Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng có chánh văn phòng Phủ Thủ tướng Phan Mỹ (em luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Bộ công thương), nhà thơ Việt Phương (tác giả tập thơ "Cửa mở" nổi tiếng sau này), Lê Ánh, Dương Thế Sức (Quê Phú Bình) con đội giá Dương Thế Giá, một yếu nhân cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên (1917)…Từ Thẩm Khen, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận các báo cáo từ khắp các tỉnh, liên khu trong cả nước, tham gia hoạch định, chỉ đạo thực hiện nhiều Chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng, Chính phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. Vào tháng 5/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lên đường dự Hội nghị Giơ-ne-vơ. Với sự nhạy bén, sáng suốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, Phạm Văn Đồng góp phần vào việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sau hòa bình lập lại (1954) Phạm Văn Đồng là ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quí; ghi nhận những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Từ chân đồi Thẩm Khen, du khách theo bậc đá miết mạch, bám lan can leo 60m theo dấu chân "anh Tô" một thời chiến khu Việt Bắc, ngắm bia ghi dấu sự kiện, thăm căn nhà lán đơn sơ với chiếu giường che vách liếp, bàn ghế gỗ làm việc, hội họp…gợi bối cảnh Phủ Thủ tướng trong rừng kháng chiến "Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi" (Hồ Chí Minh). Những bức ảnh tư liệu lịch sử, bản trích, đồ vật sinh hoạt… giới thiệu những sự kiện lịch sử tiêu biểu gắn với Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong căn nhà lán vầu cọ đơn sơ, đường hầm trú ẩn, hào giao thông dưới tán cây Đa cổ thụ, rừng vầu cọ xanh ngát, không khí trong lành, đem lại cho du khách cảm giác dễ chịu, lâng lâng trong ký ức một thời hào hùng "Thủ đô gió ngàn"- ATK in dấu lịch sử…

 


Tin liên quan