15/06/2022
Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Thái Nguyên đã và đang làm gì để thực hiện Chiến lược? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên về nội dung này.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên
PV: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cũng đề cập đến nội dung đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch. Việc cụ thể hóa chủ trương đó đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Mai: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp được Đảng, Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX cũng xác định đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa chủ trương này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Ngành cũng tích cực tổ chức các chương trình văn hóa, thể thao, du lịch và tham gia các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, khu vực. Phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình mời Đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh tổ chức khảo sát, thu thập các thông tin dữ liệu, hình ảnh phục vụ việc nghiên cứu các hệ thống hang động trên địa bàn tỉnh tiến tới phát triển sản phẩm khám phá hang động. Tổ chức các đoàn Famtrip với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch Bắc -Trung- Nam cùng 20 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương đến tham quan, khảo sát, quảng bá các điểm đến du lịch tại Thái Nguyên vào tháng 12/2021. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; liên kết website với các tỉnh, thành phố trong toàn quốc để cùng quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên, du lịch 6 tỉnh vùng Việt Bắc.
Đặc biệt, năm 2022, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, ngành đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong điều kiện bình thường mới. Tham mưu tổ chức chương trình như: Khởi động mở cửa lại hoạt động du lịch và khai trương Khu giáo dục “Trải nghiệm về nguồn – ATK Thủ đô gió ngàn”; tổ chức Khai mạc Mùa Du lịch Thái Nguyên năm 2022 gắn với các hoạt động (Không gian giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, trưng bày sản phẩm ẩm thực dân tộc; vòng Chung khảo Cuộc thi Hoa hậu thế giới – Việt Nam 2022 tổ chức tại Thái Nguyên) đã thu hút trên 30 tỉnh, thành phố, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tham gia; đăng cai tổ chức các chương trình văn hóa, thể thao toàn quốc… Các chương trình, hoạt động đều nhằm mục đích kích cầu du lịch, thu hút đông đảo du khách đến với Thái Nguyên, đưa du lịch Thái Nguyên sôi động trở lại.
Nhiều địa điểm du lịch của tỉnh Thái Nguyên hấp dẫn du khách
PV: Với phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử, văn hóa… du lịch Thái Nguyên vốn nhiều tiềm năng, lợi thế. Để khai thác tiềm năng, lợi thế đó cần có sự đầu tư cả về nhân lực và vật lực. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Thị Mai: Để phát triển những tiềm năng, lợi thế trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách thì những giải pháp đưa ra cũng là sự tổng hòa của nhiều nhóm giải pháp như: Giải pháp về công tác quản lý, tổ chức thực hiện; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch; cơ chế, chính sách và vốn đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin… và những giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực du lịch cũng là những nội dung trọng tâm mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định rõ trong Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặc biệt chú trọng về công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, hằng năm ngành sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo chuyên môn về du lịch ở Trung ương cũng như trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, như: Cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch; tập huấn nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp cho cơ sở lưu trú du lịch; tập huấn nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho cán bộ văn hóa xã, các hộ dân, người dân các điểm du lịch cộng đồng… Các lớp tập huấn thu hút đông đảo sự tham gia và đánh giá cao của học viên.
Vẻ đẹp của hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà (Võ Nhai, Thái Nguyên)
PV: Năm 2022, Thái Nguyên đặt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa, nội tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những giải pháp cụ thể nào để thực hiện mục tiêu đó?
Đồng chí Nguyễn Thị Mai: Phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang thực hiện đồng thời các giải pháp nhằm phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Cụ thể: Tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà; tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm quảng bá, kích cầu du lịch Thái Nguyên như Chương trình khởi động mở cửa lại du lịch trên địa bàn tỉnh. Huy động sự tham gia của người dân, các nhà đầu tư, các sở, ban, ngành để lồng ghép các chương trình, dự án phát triển sản phẩm du lịch.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ đảm bảo phục vụ du khách và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, các đơn vị hội viên xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình kích cầu du lịch thu hút du khách…
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!