26/07/2019
Vào đầu tháng 6-1928, Nguyễn Ái Quốc từ Béclin (Đức) qua Thụy Sĩ, Italia, đến Napoli rồi đáp tàu thủy đi Xiêm (Thái Lan). Lấy bí danh là Thầu Chín, Người thâm nhập vào khu Việt kiều ở tỉnh Uđon Thani, chọn anh Nguyễn Văn Ty (sinh năm 1900, quê ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) làm người bảo vệ, giúp việc và đặt tên là Phạm Văn Lộc. Anh Lộc tháo vát, thông minh, thông thạo tiếng Thái Lan, tiếng Lào, tiếng Pháp, giỏi võ nghệ, có nghề thuốc nam gia truyền, rất tiện cho việc bảo vệ, đưa Thầu Chín từ Uđon Thani đến các tỉnh Xa Vong, Na Khôn Pha Nôm, Noong Khai…. Hai thầy trò quẩy gánh giả dạng bán thuốc, rong ruổi khắp Thái Lan. Thầu Chín phát hành tờ báo “Thân Ái” trong bà con Việt kiều, đào tạo hội viên Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, dịch sách Mác xít phổ thông để phục vụ phong trào cách mạng ở trong nước.
Cuối tháng 6-1940, đường giao thông bị tắc, kế hoạch về nước bằng đường Lào Cai bị bỏ, đồng chí Lộc được Nguyễn Ái Quốc gọi về Côn Minh. Hạ tuần tháng 12-1940, Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ rời Quế Lâm đi Tĩnh Tây (Quảng Tây), sau Tết dương lịch 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Tân Khư, Tĩnh Tây, thay mặt Trung ương Đảng báo cáo với Người tình hình trong nước, những công việc đang thực hiện và kế hoạch chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đề nghị Người chọn hướng Cao Bằng để về nước… Nguyễn Ái Quốc cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp được Hoàng Sâm dẫn đường qua Nậm Bó xuống Nậm Quang, một làng sát biên giới Trung – Việt, mở lớp huấn luyện 43 thanh niên yêu nước từ Cao Bằng sang. Sau đó Nguyễn Ái Quốc cùng Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Thế An và Phạm Văn Lộc về nước. Ngày 1 tháng 1 Tết Tân Tỵ (1941), Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Ngàn Tấy, ngày hôm sau (28-1-1941, tức mùng 2 Tết), đoàn rời Nậm Quang, vượt qua cột mốc số 108 về Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng…
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), huyện Định Hóa trở thành ATK Trung ương, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ ở, làm việc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phạm Văn Lộc đang phụ trách binh công xưởng ở Tuyên Quang thì được gọi về giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người đặt tên là Đồng, trực tiếp nấu ăn và giúp việc Bác trên mọi nẻo đường kháng chiến. Về Khuôn Tát, xã Phú Đình (Định Hóa) dưới chân núi Hồng, những cơn sốt rét ác tính và bệnh đường ruột đã quật ngã Phạm Văn Lộc. Bác Hồ rất buồn, Người cùng các đồng chí ở Văn phòng Phủ Chủ tịch (Vũ Kỳ, Triệu Hồng Thắng, Tạ Quang Chiến…) đã an táng Phạm Văn Lộc bên khe suối Khuôn Tát (ngày 3-6-1948). Vào dịp sinh nhật Bác (ngày 19-5-1949), các chiến sĩ bảo vệ, giúp việc tặng Người bó hoa rừng. Người rơm rớm nước mắt và nói: Mang hoa ra đặt trên mộ chú Lộc. Người tâm sự, nêu gương Phạm Văn Lộc: “Trong lúc khó khăn, gian khổ, làm việc không chút nề hà, đến lúc nước nhà độc lập cũng không mảy may đòi hưởng thụ”… Năm 1954, hài cốt liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Đình, sau chuyển về nghĩa trang liệt sĩ huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Liệt sĩ Phạm Văn Lộc được truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” theo Quyết định số 398 CT/KT ngày 25 tháng 10 năm 1985 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký.
Đồng chí Phạm Văn Lộc là một tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập tự do của tổ quốc.