10/02/2017
Trần Đăng Ninh (tức Nguyễn Tuấn Đáng) sinh năm 1910 trong gia đình nông dân nghèo vẫn cố gắng học chữ nho và tiểu học ở trường làng: Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, lên Hà Nội làm thợ đóng sách nhà in Lê Văn Tân, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 7/1936), tham gia Ban cán sự Đảng thành phố Hà Nội (1939), Xử uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ (1940), từ đây sự nghiệp cách mạng của Trần Đăng Ninh gắn bó với các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Cao Lan….vùng Việt Bắc, đặc biệt là Thái Nguyên.
Sau khi phát xít Nhật tấn công Lạng Sơn, quân Pháp rút chạy theo đường Bình Gia, Đảng bộ châu Bắc Sơn lãnh đạo đồng bào các dân tộc nổi dậy giành chính quyền, nhưng chưa thành lập được chính quyền cách mạng, Xứ Uỷ Bắc Kỳ cử Trần Đăng Ninh lên chỉ đạo phong trào (14/10/1940): xây dựng Đội du kích Bắc Sơn, củng cố căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai, chống địch khủng bố, tiến hành chiến tranh du kích, Trần Đăng Ninh sớm nhận thấy vị thế, tầm quan trọng của Thái Nguyên, mảnh đất “phên dậu” của kinh thành Thăng Long xưa, nằm ở trung tâm các tỉnh Việt Bắc, với vị thế chiến lược quan trọng như nhận định của Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc (tháng 10/1940): “Căn cứ địa Cao Bằng mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta… nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Đặc biệt vùng đất Võ Nhai giáp với Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) có núi rừng hiểm trở, nhiều hang động xen cách đồng, sông suối cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, có đường giao thông về Thái Nguyên, hoặc ngược qua Bình Gia lên Lạng Sơn sang biên giới Trung Quốc. Đội du kích Bắc Sơn sau khi bị tổn thất và phân tán về các địa phương, sau phát triển thành Đội Cứu quốc quân II thành lập ở Tràng Xã, Võ Nhai, Thái Nguyên (15/9/1941) trở thành một căn cứ du kích nổi tiếng do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước Cách mạng Tháng tám 1945.
Tháng 2/1941, Trần Đăng Ninh được Trung ương chỉ định đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ tám cùng đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Đoàn xuất phát từ làng Phật Tích (Bắc Ninh) được Cứu Quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy, bảo vệ, đưa đường, từ Hiệp Hoà, Yên Thế qua Tràng Xá (Võ Nhai), Bắc Sơn, Trần Đăng Ninh qua xứ chè Thái Nguyên. Gần tới biên giới Lạng Sơn, Trần Đăng Ninh bị ốm nặng, các đồng chí trong đoàn gửi vào một nhà cơ sở nhờ chữa bệnh đồng chí được giao liên đưa qua đất Thái Nguyên về xuôi hoạt động trong Ban thường vụ xứ uỷ Bắc Kỳ với vai trò của một Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng được bầu tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Vào tháng 7/1941 là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, Trần Đăng Ninh chú trọng chỉ đạo phát triển phong trào cách mạng ở Thái Nguyên – vùng đất địa lợi “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, đồng bào các dân tộc sớm có truyền thống yêu nước, cách mạng.
Sau khi bị đế quốc Pháp bắt giam, đày lên nhà tù Sơn La vượt ngục tù (5/8/1943), rồi lại sa vào tay địch (12/1943), bị giam ở Hoả Lò Hà Nội. Sau khi dự Hội nghị quân sự Bắc Kỳ tại Hiệp Hoà (Bắc Giang) từ ngày 15 đến 20/4/1945 do Tổng bí thư Trường Chinh chủ trì, Trần Đăng Ninh được cử vào Uỷ ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị… Trần Đăng Ninh lên đình làng Quặng, Định Biên Thượng, Châu Định Hoá, Thái Nguyên dự lễ Hợp nhất đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với các đội quân cứu quốc của Đảng (15/5/1945) thành Việt Nam giải phóng quân. Với lực lượng đến 13 đại đội Trần Đăng Ninh được cử vào Bộ tư lệnh do Võ Nguyên Giáp làm tư lệnh, Chu Văn Tấn làm chính uỷ. Có lẽ ông cũng không nghĩ rằng mảnh đất Định Hoá, sẽ trở thành nơi ghi dấu Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó cho Trần Đăng Ninh những trọng trách, nhiệm vụ vẻ vang đầy gian khó, trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Từ Định Biên Thượng, Trần Đăng Ninh theo đường ngựa đi vượt đèo De, Núi Hồng sang Tân Trào (Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) dự Hội nghị toàn quốc của Đảng 8/1945, đồng chí được cử vào Uỷ ban khởi nghĩa do Tổng bí thư Trường chinh phụ trách, Hội nghị Quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Sau khi Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào (16/8/1945), Trần Đăng Ninh được cử về Thái Nguyên lãnh đạo tổng khởi nghĩa, hỗ trợ cho Võ Nguyên Giáp chỉ huy Việt Nam giải phóng quân xuất phát từ khu giải phóng về đánh phát xít Nhật giải phóng thị xã Thái Nguyên(1) – một đô thị quan trọng án ngữ phía Nam Việt Bắc, bàn đạp để tràn về Chung châu Bắc Bộ, một vị trí yết hầu để đổ về Hà Nội…Sau cuộc càn quét lên khu giải phòng thất bại, quân đội Nhật ra sức củng cố thị xã Thái Nguyên thành một cứ điểm mạnh để “chốt chặn”, ngăn cản ưu thế của khu giải phóng. Lực lượng địch có 400 lính bảo an với 600 khẩu súng trường, súng máy, khoảng 120 sĩ quan và lính Nhật, trong khi giải phòng quân từ Tân Trào về đến chùa Đán, thị xã Thái Nguyên (19/8/1945) kể cả bổ sung quân dọc đường mới có 450 người. Nếu so sánh lực lượng và trang bị vũ khí, hoả lực, giải phóng quân không đủ lực lượng tiêu diệt địch, lần đầu tiên Việt Nam giải phóng quân phải đánh vào một thị xã đông quân địch phòng ngự trong các công trình kiên cố.
Căn cứ tình hình phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, chính quyền bù nhìn phong kiến tay sai ở Thái Nguyên như rắn mất đầu, Trần Đăng Ninh phối hợp với đồng chí Nhị Quý – Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên và Trung Đình, Phụ trách chính quyền cách mạng tỉnh huy động hàng vạn quần chúng thị xã Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, công nhân mỏ kẽm ở làng Hích (xã Hoà Bình) công nhân mỏ than Phấn Mễ (Phú Lương), công nhân mỏ than làng Cẩm…các đội tuyên truyền xung phong, tự vệ vũ trang mang dao, kiếm, giáo mác, gậy gộc kéo về thị xã Thái Nguyên bao vây, uy hiếp chính quyền, trại bảo an binh và cứ điểm của phát xít Nhật.
4 giờ sáng (20/8/1945) quân giải phóng và nhân dân, tự vệ vũ trang bao vây thị xã, 5 giờ rưỡi trao tối hậu thư cho tỉnh trưởng, buộc phải đầu hàng, lính bảo an nộp khí giới. Đồng chí Trần Đăng Ninh lo chỉ đạo, huy động địa phương tiếp tế lương thực, cơm nước cho các chiến sĩ giải phóng quân, cứu chữa thương binh. Chiều ngày 20/8/1945 tại sân vận động thị xã Thái Nguyên đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Trung ương công bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Trung Đình làm Chủ tịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ôn lại sự kiện này: “Tôi biết anh Ninh từ Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tháng 4/1945. Trong Tổng khởi nghĩa, khi tiến về giải phóng Thái Nguyên, tôi cùng anh Ninh lãnh đạo và chỉ huy quân giải phóng tiến công quân Nhật, tổ chức quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền”(2)
Trần Đăng Ninh bị sốt rét quật ngã phải vào điều trị ở Trạm Y tế thị xã Thái Nguyên, đồng chí Trường Chinh trên đường về Hà Nội ghé thăm báo tin khởi nghĩa Hà Nội thắng lợi (19/8/1945) dặn dò yên tâm Điều Trị. Đến ngày 23/8/1945, Võ Nguyên Giáp chỉ huy giải phóng quân tiến về Hà Nội, Trần đăng Ninh vừa cắt cơn sốt, được tin Chủ tịch Uỷ ban giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh đang trên đường từ Tân Trào về, dừng chân ở Hà Thượng (huyện Đại Từ) ở nhà bà Tạc Thị Tình, ông cử ô tô và 1 tiểu đội vũ trang từ thị xã Thái Nguyên theo quốc lộ 3 lên ngã 3 Bờ Đậu rẽ trái lên Hà Thượng lên đón Bác về thị xã Thái Nguyên rồi về Hà Nội. Ngày 24/8/1945 Đoàn bảo vệ đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đò cập bến thôn Phú Xá. Bác nghỉ và ăn cơm chiều tại đây. Trần Đăng Ninh đưa Bác về thôn Phú Gia – nơi có cơ sở vững chắc nằm trong An toàn khu (ATK) của Trung ương.
Sau ngày Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) trước hành động trắng trợn của Thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta lần nữa, sau Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946) Trần Đăng Ninh cùng Nguyễn Lương Bằng được Ban thường vụ Trung ương Đảng phân công trở lại Việt Bắc chuẩn bị Căn cứ địa và cơ sở vật chất cho kháng chiến….
Sau khi phụ trách Công tác Đội lên các tỉnh Việt Bắc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn …Trần Đăng Ninh đề xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng quyết định chọn các huyện giáp ranh 3 tỉnh trên: Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (tỉnh Bắc Cạn), một vùng đất rộng lớn với địa lợi “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” thuộc khu giải phóng từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 có đồng bào các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Cao Lan…sớm có truyền thống đoàn kết, yêu nước chống ngoại xâm làm An toàn khu (ATK) Trung ương.
“Anh cả” Nguyễn Lương Bằng – Trưởng Ban tài chính quản trị Trung ương tổ chức chuyển muối, gạo, máy móc, tiền, nguyên liệu lên Chiến khu Việt Bắc. Còn Trần Đăng Ninh chỉ huy “Công tác Đội” chuẩn bị ATK: bố trí các địa điểm ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ…để kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực, cánh sinh. Trần Đăng Ninh đã hai lần đảm đương trọng trách xây dựng căn cứ địa (trước cách mạng tháng 8/1945) ở Việt Bắc (Thái Nguyên, Tuyên Quang) và xây dựng ATK Trung ương tại Việt Bắc. Vùng đất quê hương cách mạng ATK Định Hoá, nơi ghi dấu Trần Đăng Ninh dự Lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân (ngày 15/5/1945) tại Làng Quặng, xã Định Biên với bà con các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Cao Lan …đã “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” (Việt Bắc – Tố Hữu) với các đồng chí Trung ương với câu nói nằm lòng ba không từ già đến trẻ phòng gian, bảo mật: “Không biết, không nghe, không thấy…”
Sau khi bùng nổ toàn quốc kháng chiến ATK Định Hoá, Thái Nguyên trở thành Trung tâm “Thủ đô kháng chiến”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ ở, làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của đất nước, tự do của dân tộc như khẳng định của Hồ Chí Minh: “Cách mạng đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 8 chiến sĩ – khẩu hiệu sống do người đặt tên “Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi” đặt Phủ Chủ tịch đầu tiên ở Chiến khu Việt Bắc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, ATK Định Hoá – một địa chỉ cách nơi Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Trần Đăng Ninh làm việc tại đồi Pụ Miếu, bản Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, quãng đường có vài ba “con dao quăng”.
Trước yêu cầu công tác lãnh đạo, kháng chiến kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ ngày càng lớn trong khi thông tin liên lạc còn nhiều khó khăn, giao thông bị chia cắt để chống lại sự vây riết của Đế quốc Pháp được các thế lực phản động trong nước và nước ngoài ủng hộ cả vũ khí, tiền của… Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là thiếu sự kiểm tra”(4).
Ngày 16/10/1948 từ Văn phòng Trung ương Đảng ở Khuổi Khê, xã Điềm Mặc, ATK Định Hoá, Tổng bí thư Trường chinh (tức Thận) ký Quyết định số 29 – QN/TƯ của Ban thường vụ Trung ương Đảng về việc thành lập Ban kiểm tra Trung ương, Quyết định ghi:
“a. Ban Kiểm tra Trung ương có từ 3 đến 5 người, do một Trung ương Uỷ viên phụ trách
b. Dưới Ban kiểm tra có các phái viên giúp việc.
c. Ban Kiểm tra chia làm 2 bộ phận:
1. Bộ phận thường trực có một uỷ viên và một số phái viên ở cơ quan phụ trách văn phòng kiêm kiểm tra đặc biệt mỗi khi Trung ương cần đến;
2. Bộ phận đi kiểm tra các khu, mỗi đoàn kiểm tra phải có một uỷ viên và một số phái viên…
Quyết định trên đây giao đồng chí Ninh (Trần Đăng Ninh) chịu trách nhiệm thi hành.
Ngày 16 tháng 10 năm 1948
Ban thường vụ Trung ương”
Ban Kiểm tra Trung ương ngày đầu thành lập có đồng chí Trần Đăng Ninh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban: đồng chí Nguyễn Thanh Bình Uỷ viên Thường vụ Khu uỷ. Đồng chí Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc), Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ. Trần Đăng Ninh chọn đồi Phụ Miếu, bản Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, ATK Định Hoá làm nơi đặt trụ sở đầu tiên của Ngành Kiểm tra Đảng.
Các phái viên kiểm tra, lúc đông nhất trên hai chục người được điều động từ các Ban thường vụ tỉnh ủy từ Liên khu V trở ra: Lê Thanh, Đặng Việt Lâm, Hoàng Phú, Mai Công Thiệp, Trần Tấn, Trần Linh, Nguyễn Thành Tân, Nguyễn Danh Phan, Trần Thọ…
Ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ về chỉ đạo chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến; chính sách tôn giáo, dân tộc, trí thức, chính sách mặt trận, cán bộ và quân đội…; công tác phòng, chống lãng phí, tham ô của các tỉnh ủy thuộc các Liên khu; việc thực hiện huy động nhân dân kháng chiến ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Chuẩn bị hội nghị chiến tranh vùng trung du; kiểm tra nội bộ cơ quan “Hoa kiều vụ”, vụ án “Gián điệp H122” ở Liên khu Việt Bắc; vụ “Hóa chất miền Nam” ở Liên khu V; thuyết phục giám mục Lê Hữu Từ ở Bùi Chu, Phát Diệm ủng hộ kháng chiến. Trần Đăng Ninh đi ngựa cùng anh Nguyễn Thanh Bình, lên Đồng Văn (Hà Giang), thuyết phục “Vua Mèo” Vương Chí Sình thực hiện trách nhiệm “Chủ tịch huyện” tham gia kháng chiến; đi Hòa Bình làm nhiệm vụ Kiểm tra Đảng và củng cố, động viên các nhà lang có thế lực ở Đà Bắc tin theo kháng chiến.
Các Liên khu, tỉnh, có cấp ủy viên phụ trách kiểm tra. Liên khu Việt Bắc có Khu ủy viên Phan Lang. Ở Liên khu III có Khu ủy viên Vũ Oanh. Từ Ban kiểm tra Trung ương ở ATK Việt Bắc phát đi nhiều chủ trương, chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng xuống các cấp bộ Đảng, Chính phủ và cả trong quân đội, tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát giúp Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc, gây được lòng tin của nhân dân, chiến sĩ, củng cố thêm mối quan hệ công tác giữa Trung ương và địa phương.
Từ Ban Kiểm tra Trung ương tại đồi Pụ Miếu, ATK Định Hoá, nhiều lần Trần Đăng Ninh cùng các phái viên tiền nhập qua vùng giáp ranh, vùng địch tạm chiến vượt qua bao đồn bốt, đèo cao, vực sâu từ đồng bằng Nam Định, lên Hà Giang, sang Hoà Bình, thực hiện thắng lợi công tác kiểm tra, thanh tra của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó rồi lại bí mật quay trở lại ATK Định Hoá, Thái Nguyên góp phần củng cố, mở rộng phạm vi lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quyết sách Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ từ ATK Trung ương tại Việt Bắc tới các Liên khu kháng chiến cũng là một sách lược xây dựng, củng cố ATK Trung ương tại Định Hoá và Việt Bắc ta.
Trước yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến chống Đế quốc Pháp đang trong giai đoạn Tổng phản công, đòi hỏi công tác hậu cần – kỹ thuật trong quân đội phải đủ sức phục vụ tác chiến của các Đại đoàn chủ lực mở các chiến dịch lớn, mở rộng căn cứ địa, ATK Việt Bắc, thông biên giới với nước bạn Trung Quốc. Ngày 11/7/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 121/SL thành lập tổng cục cung cấp, đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên Trung ương Đảng được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp. Đồng chí rời đồi Pụ Miếu sang xã Thanh Định, ATK Định Hoá, xây dựng trụ sở đầu tiên Ngành hậu cần Quân đội. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình cũng được rút từ Ban Kiểm tra Trung ương sang làm Cục trưởng Cục Quân nhu.
Vừa chân ướt, chân ráo xây dựng Văn phòng Tổng cục và các đơn vị chuyên môn, Trần Đăng Ninh đi lo hậu cần chiến dịch Biên giới – giành thắng lợi, nối thông liên lạc, ngoại giao, tiếp tế của Chính phủ kháng chiến Việt Nam dân chủ cộng hoà với các nước dân chủ, nhân dân Trung Quốc, Liên Xô, Hung ga ri, Ba Lan, Cộng hoà dân chủ Đức….
Với tầm nhìn xa, sâu rộng của một người dày dặn kinh nghiệm, Trần Đăng Ninh đã tổ chức được hệ thống hậu cần kỹ thuật trong quân đội từ ATK Định Hoá đến các liên khu, các tỉnh gắn với hệ thống hậu cần nhân dân và khai thác nguồn hàng từ vùng địch hậu, mở thông thương sáng các nước dân chủ nhân dân…giúp cho một loạt chiến dịch: Chiến dịch Hoà Bình, Chiến dịch Thượng Lào, Chiến dịch Tây Bắc…giành thắng lợi. Đồng chí Trần Đăng Ninh cùng vợ, con sống, làm việc với bà con xã Thanh Định, bà Hồng vợ đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách trại trẻ ở Thanh Định…
Vừa tham gia tổng quân uỷ gồm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trần Đăng Ninh Chủ nhiệm tổng cục cung cấp đồng thời vẫn là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương trên danh nghĩa cho tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951 ở Kim Bình, Chiêm Hoá, Tuyên Quang, Trần Đăng Ninh mới chính thức bàn giao cho đồng chí Hồ Tùng Mậu – Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng thanh tra Chính phủ tại Trụ sở Ban ở đồi Pụ Miếu, bản Phủng Hiển, ATK Định Hoá.
Mặc du bị bệnh nặng do những năm tháng bị đau dạ dày trong lao tù Đế quốc Pháp ở Sơn La, Hoả Lò Hà Nội và sốt rét án tính trên những cánh rừng rậm Chiến khu Việt Bắc, Trần Đăng Ninh vẫn nỗ lực hết mình vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.
Vào tháng 9 năm 1953 ta có trong tay bản Kế hoạch của Đại tướng Na Va Tổng chỉ huy Quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh Chủ trì Hội nghị bộ chính trị, thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954 của Tổng quân uỷ với phương châm: Tích cực, chủ động hành động, hướng chính là Tây Bắc…đồng chí Trần Đăng Ninh bị ốm nặng vẫn cố dự. Đến ngày 6/12/1953 Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị tại Tỉn Keo quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Đăng Ninh không thể dự được do ốm nặng…
Tháng 9 năm 1954 từ Y xá Trần Quốc Toản (nay là Viện Quân Y 354, Bộ Quốc phòng) ở Mỹ Yên, huyện Đại Từ, đồng chí Trần Đăng Ninh được đưa sang Trung Quốc, đi chữa bệnh ở Liên Xô rồi về nước tiếp tục chữa bệnh (tháng 6/1955), mát ở Hà Nội (6/10/1955)…để lại bao thương tiếc cho Đảng, Chính Phủ, đồng chí, đồng bào ATK Việt Bắc, Thái Nguyên, nơi gắn với bao kỷ niệm gian khó, hào hùng của Trần Đăng Ninh, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Chính Phủ, Quân đội đã hiến dâng cả cuộc đời cho độc lập của đất nước, tự do cho dân tộc – Người Cộng sản chân chính được Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin yêu, nhân dân tin cậy mệnh danh là“Bao công của Việt Nam”, “Công Đặc uỷ”, “Sứ giả đại đoàn kết”