Thái Nguyên: Những sự kiện và hoạt động nổi bật tuần qua

11/09/2017

>>>Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh thăm và làm việc tại Thái Nguyên

Sáng 5/9, sau khi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà Truyền thống Tỉnh ủy Thái Nguyên, đến chung vui, chúc mừng thầy và trò Trường THPT Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên) nhân ngày khai giảng năm học mới, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Thái Nguyên và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Tại buổi làm việc lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thái Nguyên năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017. Theo đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, mục tiêu xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh Thái Nguyên đã xác định 8 chương trình, 16 đề án, 20 công trình trọng điểm, phấn đấu năm 2019 thu ngân sách trên địa bàn đảm bảo cân đối và có đóng góp với ngân sách Quốc gia. Với quyết tâm chính trị, năm 2016, thu ngân sách trong cân đối của tỉnh đạt trên 9.600 tỷ đồng, vượt thu trên 3.000 tỷ đồng; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 15,2% so với năm 2015, đứng thứ 2 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt trên 470 nghìn tỷ đồng (đứng thứ 3 trong 10 tỉnh thuộc vùng Thủ đô); giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 19,1 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước về giá trị kim ngạch xuất khẩu (đứng thứ 2 trong 10 tỉnh thuộc vùng Thủ đô); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,4%. Trong năm 2016, có nhiều dự án lớn đăng ký và khởi động tạo cơ hội phát triển lớn như: Dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc gắn với khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK – Định Hóa; Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên; dự án nghĩa trang An Lạc Viên INDEVCO; dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Vincom; dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị tỉnh Thái Nguyên và vùng phụ cận.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn vay, không để tình trạng chậm giải ngân, gây lãng phí nguồn vốn này trong bối cảnh vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng bởi thời gian giải phóng mặt bằng càng chậm thì thời gian vay sẽ dài hơn, lãi suất sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã cho ý kiến chỉ đạo nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức như: Dự án Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc; dự án nâng cấp đô thị thành phố Thái Nguyên; dự án nâng cấp đô thị thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên…

>>> Thái Nguyên: Tưng bừng khai giảng năm học mới

Hôm nay (5-9), cùng với học sinh cả nước, gần 290 nghìn HS và trên 17.700 giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh chính thức khai giảng và bước vào năm học mới 2017-2018. Các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã dự Lễ Khai giảng năm học mới tại một số trường trên địa bàn tỉnh.

Năm học 2017-2018, để thực hiện mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung thực hiện 9 mục tiêu và 5 giải pháp quan trọng là: Rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD&ĐT trên địa bàn; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo phẩm chất, năng lực người học; đẩy mạnh đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông gắn với định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học và quản lý giáo dục…

>>> Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vũ Hồng Bắc làm việc với Công an huyện Đại Từ



Chiều 6/9, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Công an huyện Đại Từ. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ và Văn phòng UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Công an huyện Đại Từ, trong 8 tháng năm 2017 đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Với sự chủ động của tập thể cán bộ, chiến sỹ, trong những tháng đầu năm 2017, Công an huyện Đại Từ đã thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ nên đã kiểm soát được tình hình và hoạt động tội phạm; đã triển khai các giải pháp xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, không để tồn tại, bức xúc kéo dài; trên địa bàn huyện không có biểu hiện của hoạt động tội phạm có tổ chức, không có các án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra; tình hình an toàn giao thông đường bộ được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng ngừa tội phạm trên tất cả các lĩnh vực, phải nắm chắc tình hình, tìm các giải pháp phù hợp với thực tế, giải quyết các vấn đề phức tạp một cách kịp thời. Đặc biệt, Công an phải là nòng cốt để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật; thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ; đảm bảo an ninh trật tự và môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương. Xong xong với đó là quan tâm, chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng công an, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ và có kế hoạch triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

>>> Tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009

Sáng 06/9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Sau 8 năm thực hiện Luật Dân quân tự vệ (DQTV) cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện Luật DQTV đạt kết quả thiết thực, chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương cơ sở. Năm 2017, tổng số DQTV toàn tỉnh là 21.615 đồng chí (đạt 1,76% so với tổng dân số), trong đó dân quân là 17.292 đồng chí; tự vệ là 4.323 đồng chí; 100% cơ sở DQTV trên địa bàn tỉnh được tổ chức huấn luyện, quân số đạt 95% trở lên; kết quả huấn luyện khá, giỏi thường xuyên đạt 70 – 80%; huấn luyện theo đúng nội dung, chương trình quy định.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Phó Tư lệnh Quân khu I đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương cần khắc phục những mặt tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện Luật DQTV, phát huy những kết quả đạt được và các bài học kinh nghiệm, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác DQTV có hiệu quả; thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ Ban CHQS các cấp có trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành quân sự theo Đề án của Chính phủ; các cấp, ngành, lực lượng vũ trang cần tiếp tục quán triệt, triển khai, phổ biến rộng Luật Dân quân tự vệ; phát huy vai trò tham mưu của các ban, ngành trong việc đề ra chủ trương, giải pháp thực hiện hiệu quả Luật DQTV; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với lực lượng vũ trang; xây dựng đảng bộ quân sự các cấp trong sạch vững mạnh; thực hiện có hiệu quả kế hoạch, công tác DQTV, nâng cao chất lượng các cuộc luyện tập, diễn tập, trọng tâm là diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu phòng thủ hàng năm; phát huy vai trò của DQTV trong vận động nhân dân tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

>>>Thực hiện bàn giao, tiếp nhận điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên chậm nhất vào ngày 30/9/2017

Chiều 08/9, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 422/NQ-UBTVQH14 ngày 18/8/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên và thành lập 02 phường thuộc thành phố Thái Nguyên.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu việc bàn giao, tiếp nhận điều chỉnh địa giới hành chính phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không làm ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân.

Giao Ban chỉ đạo điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Thái Nguyên phối hợp với các cấp ủy, chính quyền thành phố Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ tốt việc bàn giao và tiếp nhận địa bàn một cách nhanh, gọn, tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị, địa phương cùng các cơ quan truyền thông tiếp tục thông tin, tuyên truyền đến người dân và toàn xã hội về nội dung, ý nghĩa, sự cần thiết của việc điều chỉnh địa giới thành phố Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu việc bàn giao, tiếp nhận hoàn thành chậm nhất vào ngày 30/9/2017; việc sử dụng con dấu, biểu mẫu mới, biển hiệu mới, chế độ chính sách theo địa giới hành chính mới… đồng loạt áp dụng từ ngày 01/10/2017. Trong quá trình thực hiện, đối với những vấn đề phát sinh hoặc chưa giải quyết dứt điểm phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết.

>>> Phấn đấu quý II năm 2018 đưa Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh vào hoạt động

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại hội nghị về công tác cải cách hành chính (CCHC) tổ chức sáng ngày 7/9.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo tình hình triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC tỉnh Thái Nguyên năm 2017 với 7 nội dung cụ thể và kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện tại 2 tỉnh là Hà Giang và Thái Bình. Từ thực tế học tập kinh nghiệm tại các tỉnh và yêu cầu đặt ra, Sở Nội vụ tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, huyện. Theo đó, diện tích xây dựng Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh khoảng 800m2; quy mô khu vực tiếp nhận và trả kết quả gồm 50 bàn tiếp nhận của 19 sở, ngành thuộc UBND tỉnh và 03 ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; 02 quầy giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng và 150 chỗ ngồi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

Phát biểu hội nghị, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu: Các ngành, địa phương bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017 của tỉnh để thực hiện; bố trí nguồn kinh phí cho công tác CCHC; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với công tác CCHC. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách hành chính, kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Sở Nội vụ và Sở Khoa học & Công nghệ quan tâm giúp các ngành, địa phương trong thực hiện các sáng kiến CCHC. Giao cho Sở Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh xong trước ngày 12/9 để báo cáo UBND tỉnh và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định. Đối với phần mềm phục vụ hoạt động của Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu xây dựng đảm bảo tính thống nhất, tiện ích, tiết kiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tra cứu.

 

 

Tin liên quan