02/02/2017
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.(Ảnh: Duy Linh)
20 năm sau ngày tái lập, một khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để thử thách, kiểm chứng và khẳng định sự phát triển đi lên của hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn. Như chúng ta đã biết, hai tỉnh gắn bó dưới mái nhà chung Bắc Thái đúng 31 năm sau khi được tái lập năm 1997. Trước khi tách tỉnh, diện tích tự nhiên của Bắc Thái quá rộng, trên 8.000km
2
, giao thông chưa phát triển, địa hình phức tạp đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác lãnh đạo, điều hành cũng như quản lý hành chính. Trong khi đó, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực các huyện phía Bắc nhỏ lẻ, manh mún, không khai thác được tiềm năng, lợi thế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Về phương diện truyền thống lịch sử và văn hóa, địa bàn Thái Nguyên và Bắc Kạn đã được hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh từ rất lâu (tỉnh Thái Nguyên thành lập năm 1831, Bắc Kạn thành lập năm 1900).
Trên cơ sở nguyện vọng và đề xuất của đông đảo nhân dân và các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh Bắc Thái, căn cứ Tờ trình của Chính phủ, ngày 6/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết phê chuẩn việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Theo đó, từ ngày 1/1/1997, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn được tái lập, mở ra chặng đường phát triển mới cho mỗi địa phương.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể thấy một số thành tựu nổi bật mà tỉnhThái Nguyên đạt được trong 20 năm qua như sau:
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng được tăng cường; công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn toàn xã hội được giữ vững.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và ngày một hoàn thiện, nhiều công trình, dự án trọng điểm có tác động tích cực đến sự phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác. Trong số đó phải kể đến các khu công nghiệp tập trung như Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Quốc lộ 3, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, tuyến cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới…
Công tác chỉnh trang đô thị được tăng cường, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được quan tâm. Thái Nguyên được Chính phủ đưa vào quy hoạch thuộc Vùng Thủ đô Hà Hội. Năm 2010, T.P Thái Nguyên được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Năm 2015, thị xã Sông Công được nâng cấp lên thành phố, huyện Phổ Yên được nâng cấp lên thị xã.
Kinh tế xã hội có sự tăng trưởng vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm vị trí trong tốp các tỉnh có chỉ số tăng cao. Năm 2016, chỉ số tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt trên 15%, là tỉnh thứ 2 trong cả nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc loại cao. Thu ngân sách Nhà nước tăng từ hơn 600 tỷ đồng năm 1997 lên trên 9.500 tỷ đồng (tănggần 16 lần); giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 4 trong 10 tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, đứng thứ 3 cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt…
Hạ tầng du lịch được củng cố, các điểm di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư nâng cấp và xếp hạng. Di tích ATK Định Hóa được Chính phủ công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Ngày 18-11-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Công tác thu hút đầu tư đã có sự chuyển đổi về chất. Từ chỗ phát triển công nghiệp truyền thống, sản xuất nhỏ, dựa vào tài nguyên, sức cạnh tranh thấp, Thái Nguyên đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm, uy tín trong và ngoài nước đăng ký triển khai các dự án vào địa phương. Thái Nguyên đã thu hút trên 100 dự án vốn FDI với số vốn đầu tư hàng tỷ USD. Trong đó đáng chú ý là Tập đoàn Samsung và các đơn vị sản xuất phụ trợ; Công ty Cổ phần ALK VINA; Tập đoàn Phúc Lộc; Tập đoàn Vingroup; Công ty Xây dựng Xuân Trường, Công ty Cổ phần Tập đoàn INDEVCO…
Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn chụp ảnh lưu niệm trong buổi thăm, làm việc giữa 2 tỉnh nhân dịp Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Quang Hưng)
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn với 8 chương trình, 16 đề án và 20 dự án, công trình trọng điểm có vai trò định hướng cho cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn tới tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả những nội dung chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương về phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng; thực hiện tổng thể các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực giai đoạn 2016 – 2020.
Huy động tổng hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung chỉ đạo và dành nguồn lực thỏa đáng cho các công trình, dự án lớn, có sức lan tỏa và tác động tích cực phát triển kinh tế, xã hội như: Dự án xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc gắn với Khu du lịch lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Đề án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu; Dự án Nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh của nền kinh tế; tiếp tục phân cấp, phân quyền gắn trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ cương trong thực hành công vụ, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đạo đức công vụ; thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện 3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương tham gia công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước có uy tín, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính vào triển khai các dự án đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Tập trung quản lý nhà nước, có cơ chế khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, trong đó thực hiện triển khai có hiệu quả nội dung ký kết hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học giữa UBND tỉnh với Đại học Thái Nguyên. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn phát triển, nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường thực hiện công tác an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, trong đó quan tâm phát triển thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động cổ phần hóa, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có giá trị công nghiệp đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.
Tăng cường mối quan hệ với các Bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà đầu tư, các tổ chức nước ngoài, các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước để giới thiệu quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của Thái Nguyên. Từ đó tranh thủ nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh Thái Nguyên. Tiếp tục và tăng cường bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Nhân dịp Xuân mới 2017, chào đón Tết Đinh Dậu cổ truyền của dân tộc, chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh Sức khỏe – Hạnh phúc – Tiến bộ!
Năm mới thắng lợi mới